Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 2: Nữ nhi sa chân vào hang sói

 

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 31/03/2025 12:00

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 2: Nữ nhi sa chân vào hang sói

Trong các nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến ở Myanmar không chỉ có công dân các quốc gia Đông Nam Á như nhiều người lầm tưởng mà còn có các nạn nhân buôn người từ châu Phi xa xôi.
lừa đảo - Ảnh 1.

Một sòng bạc ở Myawaddy thuộc bang Karen (Myanmar) nhìn từ bờ sông Moei bên Thái Lan - Ảnh: Frontier Myanmar

Bài điều tra của tạp chí Frontier Myanmar (Myanmar) về ba cô gái trẻ Sara, Agnes và Cynthia (tên đã thay đổi) đã chứng minh điều đó.

Tụi bay tới đây để kiếm tiền. Tiền, tiền và tiền. Để có được tiền thì tụi bay phải ăn cắp của ai đó.

FRONTIER MYANMAR

Dệt lướitình gài đại gia phương Tây

Năm 2022 từ Nam Phi, Sara đọc được quảng cáo tuyển dụng nhân viên dịch vụ khách hàng làm việc tại Thái Lan. Sau hai lần phỏng vấn video qua Skype, cô chấp nhận công việc vì thấy công ty có địa chỉ, có số điện thoại đàng hoàng. 

Hai tuần sau, cô bay từ Nam Phi sang Bangkok (Thái Lan) cùng một cô bạn mới tuyển.

Cũng trong năm 2022, Agnes và Cynthia ở Nairobi (Kenya) tin tưởng người quen giới thiệu công việc dịch vụ khách hàng ở Thái Lan nên mỗi người gom góp 250.000 shilling Kenya (khoảng 2.000 USD) trả tiền cho chuyến bay từ Nairobi đến Bangkok, chi phí visa và chi phí đại lý. 

Một phiên dịch viên nói tiếng Anh thay mặt ông chủ người Trung Quốc hướng dẫn họ cùng nhiều công dân Kenya khác đăng nhập vào nhóm WhatsApp. Cả nhóm mặc trang phục công sở theo hướng dẫn ra sân bay Jomo Kenyatta (Nairobi) và gửi ảnh chụp tự sướng vào nhóm WhatsApp. 

Bọn buôn người sử dụng hình ảnh này để nhận dạng họ tại sân bay Bangkok rồi hướng dẫn họ gặp một nhân viên nhập cảnh quen biết đóng dấu vào hộ chiếu.

Từ Bangkok, ba cô gái được đưa lên xe tải đi hai ngày đường qua nhiều lần đổi xe đến bờ sông Moei giáp biên giới Myanmar. Họ xuống ghe sang Myanmar và được đưa đến tòa nhà có nhiều bảo vệ cầm súng canh gác. 

Tại đây, hộ chiếu, máy tính xách tay và điện thoại của họ bị thu giữ. Sau ba ngày nghỉ ngơi, họ nhận được thông báo kinh hoàng: Việc làm thực sự của họ là lừa đảo trực tuyến và ai muốn về phải trả 300.000 USD. Họ phải ký vào hợp đồng làm việc 18 tháng, ai chống cự sẽ bị nhốt dưới hầm. 

Mấy ông chủ gằn giọng: "Nơi này do phiến quân điều hành. Các người nếu ra ngoài sẽ chết mất xác hoặc làm nô lệ cho người khác". 

Tối hôm ấy, một gã nói tiếng Trung thông qua phiên dịch viên tiếng Anh nói huỵch toẹt: "Tụi bay tới đây để kiếm tiền. Tiền, tiền và tiền. Để có được tiền thì tụi bay phải ăn cắp của ai đó".

Sara và bạn được phân công vào nhóm biết nói tiếng Anh, chủ yếu là dân châu Phi. Cô phải giả danh phụ nữ gốc châu Á giàu có đến từ Chicago (Mỹ) thích đi du lịch. Để nhân vật đáng tin cậy, cô phải nghiên cứu các địa điểm du lịch nổi tiếng, lên kế hoạch chi tiết cho kỳ nghỉ không có thật và cách sinh hoạt hằng ngày ở Chicago. 

Cô lướt trên mạng xã hội (Instagram, X và Facebook) làm quen với nam giới da trắng khá giả từ 40 - 65 tuổi, chủ yếu tìm "mấy anh sống một mình, đàn ông cô đơn và các đại gia". 

Sau khi con mồi tin tưởng, cô sẽ hướng dẫn con mồi vào một trang web lừa đảo. Sau khi con mồi xuống tiền đầu tư vào tiền điện tử, cô bàn giao con mồi cho trưởng nhóm tiếp tục trò mồi chài lừa đảo.

Nhóm của Agnes và Cynthia được cấp mỗi người một điện thoại iPhone cài sẵn 10 số có chức năng vẫn hoạt động dù bị chặn. Họ lên mạng xã hội giả làm phụ nữ da trắng chọn con mồi lừa đảo là nam giới có quốc tịch phương Tây như Úc, Mỹ, Canada, Anh trong khung độ tuổi và nghề nghiệp nhất định.

lừa đảo - Ảnh 2.

Các nạn nhân nước ngoài được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo gần Myawaddy ngày 17-2-2025 vẫn còn nhiều vêt thương rỉ máu vì bị tra tấn tàn bạo - Ảnh: Kyodo

Bị đánh đập, lạm dụng tình dục và bị dọa giết

Theo điều tra của tạp chí Frontier Myanmar, ba cô gái trẻ Sara, Agnes và Cynthia không hề biết tên công ty làm việc hoặc địa điểm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar nhưng họ nhớ rất rõ kịch bản bị ép buộc. 

Sara làm việc 20 tiếng mỗi ngày, bị buộc phải nhắn tin cho ít nhất 300 người mới mỗi ngày và phải có ít nhất 5 người kết nối trò chuyện. Ai không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh, bị bỏ đói, bị buộc phải chạy dưới trời mưa, bị phạt đứng trong hố nước cống lộ thiên hoặc có khi bị tăng thêm tiền chuộc. 

Cô đã từng bị giam trong phòng suốt tuần, không được tắm rửa hay thay băng vệ sinh. Cô ước tính trong khu vực cô làm việc có khoảng 20 trung tâm lừa đảo với mỗi trung tâm từ 400 - 500 lao động.

Agnes cho biết các cô gái người Trung Quốc và người không biết nói tiếng Anh thường bị đối xử khắc nghiệt hơn. Cô kể: "Họ bị đánh rất dữ... Họ đi làm với nhiều vết bầm tím trên lưng". 

Nhiều nạn nhân nữ còn có nguy cơ bị bóc lột tình dục. Sara nói một số cô làm không hiệu quả đã bị chuyển sang làm nô lệ tình dục. Agnes giải thích: "Họ không thể giao tiếp bằng tiếng Anh và bị chuyển sang lĩnh vực khiêu dâm vì ngoại hình trông hấp dẫn".

Ba nhân chứng đã mô tả hàng loạt chiến thuật ngăn chặn nạn nhân bỏ trốn. 

Sara kể: "Chỗ làm giống như trại giam. Luôn có người theo dõi công việc chúng tôi làm, những gì chúng tôi nói và camera khắp nơi". Đã xảy ra nhiều vụ mất tích bí ẩn. Sara bộc bạch: "Bọn chúng nói: Tụi tao có thể giết mày và ném mày xuống sông mà không ai biết mày ở đâu".

Bọn chủ sử dụng nhiều chiêu dụ dỗ các nạn nhân hợp tác như cho phép sử dụng điện thoại một mình, được ra vào khu vực có nhà hàng, hộp đêm, sòng bạc, khách sạn. Nhiều nạn nhân nghiện ma túy và cờ bạc đã lao vào lừa đảo để thỏa mãn cơn nghiện. Bọn chủ còn sử dụng phương pháp thao túng tâm lý. 

Sara kể: "Họ thường xuyên bắt chúng tôi phải hô: "Chúng ta rất vui khi ở đây. Chúng ta là đại gia đình". Nó giống như trò tẩy não vậy".

Sau chín tháng, Sara đã mua được tự do với giá 100.000 USD nhờ kiếm tiền từ lừa đảo trực tuyến, vay tiền của bạn bè và tiền tiết kiệm. Cô được xe đưa về thị trấn biên giới Mae Sot (miền bắc Thái Lan) và một tháng sau trở về nhà nhờ một tổ chức phi lợi nhuận chống buôn người và đại sứ quán Nam Phi giúp đỡ. 

Agnes và Cynthia trở lại bên này sông Moei và bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì vượt biên trái phép. Sau thời gian tạm giữ một tháng, họ hồi hương và đã làm đơn kiện bọn buôn người.

Cynthia bộc bạch: "Thật đau đớn vì những gì chúng tôi phải chịu đựng. Tiền chúng tôi tiết kiệm mất hết. Chúng tôi nghĩ mình sẽ đi lao động ở nước ngoài và có tương lai tốt hơn, nào ngờ mọi thứ lại xảy ra theo cách khác".

Các trung tâm lừa đảo trực tuyến mặc sức tung hoành ở Myanmar vì hoạt động trong những khu vực do các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số quản lý dọc biên giới Myanmar với Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Thái Lan.

Cuối tháng 2-2025, nhờ lực lượng biên phòng bang Karen và nhóm vũ trang Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA) phối hợp tiến hành, tổng cộng khoảng 7.000 công dân nước ngoài đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar. Các trung tâm này chủ yếu do các băng nhóm người Trung Quốc quản lý.

Trước đó vào trung tuần tháng 2-2025, 261 người nước ngoài làm việc trong các trung tâm lừa đảo ở làng Kyauk Khet thuộc Myawaddy (bang Karen) đã được đưa sang huyện Phop Phra bên kia sông Moei ở tỉnh Tak (Thái Lan) để chờ hồi hương.

Báo The Irrawaddy ghi nhận nhiều nạn nhân được giải cứu có dấu hiệu bị tra tấn dã man (bầm tím chân, tay, thân trên, mắt) và một số người đã bị rối loạn tâm thần. Họ cho biết các tay súng tra tấn họ theo lệnh của các ông chủ Trung Quốc.

******************

Các cuộc điều tra của Ấn Độ đã phát hiện đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở Lào đã trở thành hang ổ của bọn tội phạm mạng và nạn nô lệ kỹ thuật số. Nhiều nạn nhân Ấn Độ đến Thái Lan rồi bị bán sang các trung tâm lừa đảo trực tuyến trong đặc khu tương tự các nạn nhân ở Campuchia và Myanmar.

Kỳ tới: Đồng tiền lừa đảo đi về đâu?

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 2: Nữ nhi sa chân vào hang sói - Ảnh 3.Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 1: Sống sót trở về từ sòng bài tử thần Campuchia

Nạn lừa đảo trực tuyến liên quan đến buôn người và lừa đảo tuyển dụng tung hoành ở Đông Nam Á mấy năm gần đây, đặc biệt tại Campuchia và Myanmar.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 1: Sống sót trở về từ sòng bài tử thần Campuchia

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ httpas://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 30/03/2025 10:25

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 1: Sống sót trở về từ sòng bài tử thần Campuchia

Nạn lừa đảo trực tuyến liên quan đến buôn người và lừa đảo tuyển dụng tung hoành ở Đông Nam Á mấy năm gần đây, đặc biệt tại Campuchia và Myanmar.

lừa đảo - Ảnh 1.

Trung tâm lừa đảo trực tuyến Kaibo ở Otres Village thuộc Sihanoukville (Campuchia) - Ảnh: Roun Ry

Người thất nghiệp nghe lời đường mật "việc nhẹ lương cao" đã bị cưỡng ép làm việc trong các trung tâm lừa đảo, nếu trái ý sẽ bị giam lỏng, đánh đập. Các nhà nghiên cứu xác định đây là một hình thức buôn người và nô lệ mới.

Ben Yeo chào đời tại Malaysia, đã nhiều năm hành nghề chuyên viên tư vấn tổ chức hội nghị đầu tư của chính phủ tại Campuchia và Myanmar. Khi làm ăn không còn trôi chảy, Ben Yeo và cô vợ Moira muốn tìm công việc nào đó ổn định hơn.

Bọn chúng nói […] nếu tôi không gọi điện thoại làm việc, chúng sẽ cưỡng bức vợ tôi.
BEN YEO

Không lừa đảo sẽ bị đánh, bị hiếp

Một công ty quảng cáo cần tuyển trợ lý nhân sự cho giám đốc bán hàng làm việc tại Bavet thuộc tỉnh Svay Rieng (Campuchia) giáp tỉnh Tây Ninh. Ben tìm hiểu và biết công ty này có đăng ký kinh doanh, có giấy phép tuyển dụng do Campuchia cấp đàng hoàng.

Sau khi thương thảo, Ben được hứa hẹn sẽ giữ vị trí chuyên viên phát triển kinh doanh trong sòng bạc còn vợ anh làm nhân viên chia bài.

Đầu năm 2024, họ sang Campuchia. Vừa đến tòa nhà công ty, họ đã có linh cảm không lành. Họ bị cấm ra ngoài.

Xung quanh tòa nhà là bức tường cao với dây kẽm gai và camera khắp nơi. Lúc bấy giờ bọn chủ bộc lộ chân tướng. Chúng gằn giọng: "Đây không phải là sòng bạc. Thực tế tụi tao đang lừa đảo".

Tháng đầu, vợ chồng Ben phản kháng bằng cách ngồi vào bàn làm việc nhưng không gọi cuộc gọi lừa đảo nào nhưng cách này không hiệu quả.

Anh kể: "Bọn chúng nói […] nếu tôi không gọi điện thoại làm việc, chúng sẽ cưỡng bức vợ tôi. Chúng đã thử dùng nhiều cách như lấy bình chữa cháy [giả vờ] đánh dọa tôi hay dùng túi ni lông trùm lên đầu tôi".

Bọn chủ yêu cầu muốn trở về phải trả 20.000 USD tiền chuộc mạng. Trước mặt chúng, anh đã nhiều lần gọi điện cho bà mẹ đang ở Úc van xin bà gửi tiền.

Một đêm nọ, anh dùng Google bí mật gửi vị trí cho mẹ. Lòng nóng như lửa đốt, tối 14-3-2024 anh gửi tin nhắn cuối cùng: "Con không chờ được nữa. Hạn chót vào tối ngày mai. Con không biết sẽ xảy ra chuyện gì sau đó".

Gia đình anh xoay xở nhưng không đủ tiền chuộc. Ben bị nhốt riêng trong phòng giam. Anh kể: "Chỗ đó vừa giống nhà tù vừa như nhà thương điên. Tôi nghĩ tường có lót nệm dày 10cm nên bạn có hét cũng không ai nghe.

lừa đảo - Ảnh 2.

Hóa đơn của một nạn nhân bị liệt kê tiền làm hư sàn nhà, tiền sử dụng nhà vệ sinh, tiền … hít thở khí trời ven biển - Ảnh: Tencent QQ

Trong phòng chỉ có dãy song sắt cao hơn mặt đất 15cm. Chúng còng tay tôi vào đó. Tôi không thể đứng dậy. Chúng không cho đi vệ sinh, không cho ăn uống gì cả".

Gia đình Ben đã đến Đại sứ quán Malaysia tại Campuchia cầu cứu. Tám ngày sau, cảnh sát can thiệp.

Trong lúc khai báo với cảnh sát, Ben phát hiện người của trung tâm lừa đảo trong phòng. Tờ khai cũng không ghi bất kỳ hành vi ngược đãi nào. Anh nghĩ bụng có khi cảnh sát đã bị "mua".

Nhờ một người quen với gia đình có thế lực ở Campuchia, vợ chồng anh được chuyển sang đồn cảnh sát khác.

Người của trung tâm lừa đảo tiếp tục bám theo. Anh than thở: "Trong quá trình thẩm vấn, các cơ quan chống buôn người liên tục moi móc những tình tiết mà họ có thể vin vào đó để buộc tội tôi. Từ một nạn nhân bị bắt cóc, tôi có thể trở thành thủ phạm".

Cuối cùng, họ được trả tự do và chuyển tới cơ sở lưu trú do một tổ chức từ thiện điều hành. Ba tháng sau, họ được thông báo sẽ trở về nhà với điều kiện ký vào biên bản đồng ý không yêu cầu truy tố bọn lừa đảo.

lừa đảo - Ảnh 3.

Một người bạn gia đình đến thăm Ben (phải) tại đồn cảnh sát Campuchia - Ảnh: Ben Yeo

Hít thở khí trời cũng bị tính tiền

Trường hợp của vợ chồng anh Ben Yeo đã được TS Ivan Franceschini ở Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Melbourne (Úc) và nghiên cứu sinh tiến sĩ Ling Li ở Đại học Ca' Foscari (Ý) nêu trên trang The Conversation cuối tháng 2-2025.

Nhóm điều tra của hai nhà nghiên cứu này xác định các nạn nhân bị lừa đảo ở Campuchia đều gánh khoản nợ lớn phải trả gồm chi phí máy bay, xin visa, xin giấy phép và hoa hồng cho bọn cò hoặc bọn buôn người. Nợ ngày càng tăng vì cộng thêm tiền ăn ở, thậm chí "tiền hít thở không khí ven biển".

Các nạn nhân mới tới được đào tạo cách lừa đảo qua điện thoại. Một số trò lừa đảo đòi hỏi có sổ tay hướng dẫn. Họ phải làm việc theo ca đôi khi tới 17 tiếng mỗi ngày. Trên thực tế rất ít nạn nhân đạt chỉ tiêu.

Một nạn nhân ở Campuchia cho biết phải đạt doanh thu 10.000 USD mỗi tháng và dụ từ 2-3 con mồi mới mỗi ngày. Ai làm xuất sắc sẽ được o bế.

Ben kể: "Nhân viên xuất sắc được thưởng tiền, thăng chức và đôi khi được rời trung tâm tạm thời. Họ được cấp đồ ăn ngon và được đưa đi đánh bạc hoặc thậm chí được trả tiền chơi gái".

Ngược lại, nạn nhân không đạt chỉ tiêu thì sống cũng bằng chết. Họ bị đánh, bị chích điện và thậm chí bị rút móng tay. Một nạn nhân bộc bạch: "Chúng tôi nghe tiếng la hét đến tận nửa đêm… Bọn chúng muốn bạn hiểu rằng bạn không nên là người tiếp theo vào phòng trừng phạt".

Bạo lực tình dục xảy ra tràn lan. Một phụ nữ Đài Loan tên Alice (tên đã thay đổi) kể cô đã bị bán qua nhiều trung tâm và nhiều lần bị cưỡng bức.

lừa đảo - Ảnh 4.

Các nạn nhân lừa đảo bị giữ trong vụ đột kích toà nhà Mekong 74 tại Sen Monorom (tỉnh Mondulkiri) ngày 8-3-2025 - Ảnh: Khmer Times

Trước khi cô được giải cứu, bọn côn đồ dọa sẽ nhốt cô trong câu lạc bộ (nhà thổ) để làm trò vui cho bọn quản lý.

Các nạn nhân nam cũng bị ép quan hệ tình dục với nhau để trừng phạt. Hình thức bóc lột kinh khủng nhất là bị bán như nô lệ cho người trả tiền cao nhất. Các nạn nhân lành nghề thạo tiếng Quan Thoại có giá từ 10.000-30.000 USD.

Trong ba năm, nhóm điều tra của TS Franceschini đã theo dõi các trung tâm lừa đảo, phỏng vấn gần 100 nạn nhân sống sót từ Campuchia, Myanmar và Lào, thu thập các tin nhắn Telegram, các trang web tuyển người, theo dõi mạng lưới điện và dòng tiền.

Thâm cung bí sử của ngành công nghiệp lừa đảo trực tuyến được phơi bày trong cuốn sách mới nhất của TS Franceschini, Ling Li và đối tác nghiên cứu Mark Bo với đầu đề Lừa đảo: Bên trong các trung tâm tội phạm mạng ở Đông Nam Á dự kiến phát hành tháng 7-2025.

Ngày 8-3-2025, Ủy ban Chống lừa đảo trực tuyến ở Campuchia (mới thành lập vào cuối tháng 2-2025 do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu) đã chỉ đạo chiến dịch truy quét đầu tiên trấn áp các trung tâm lừa đảo trực tuyến.

Mục tiêu đột kích là tòa nhà Mekong 74 tại Sen Monorom (tỉnh Mondulkiri). Báo Khmer Times đưa tin trong 258 người nước ngoài bị bắt giữ có 247 người Trung Quốc, 9 người Myanmar, 1 người Malaysia và 1 người Việt Nam.

Người phát ngôn chính quyền tỉnh Mondulkiri cho biết hoạt động lừa đảo trực tuyến được ngụy trang dưới vỏ bọc đầu tư của công dân Trung Quốc và nhờ gia đình các nạn nhân gửi đơn cho các đại sứ quán nên công tác điều tra đã phát hiện trung tâm này.

Lừa đảo trực tuyến ở Campuchia thường gắn với các địa danh như Poipet ở Banteay Meanchey, Bavet ở Svay Rieng và Phnom Penh. Nay sau vụ đột kích ở tỉnh nông thôn Mondulkiri, có thể hoạt động lừa đảo còn lẩn khuất ở nhiều nơi khác.

-----------------------------

Do nội chiến, hàng loạt trung tâm lừa đảo trực tuyến ra đời ở Myanmar. Trong số nạn nhân bị lừa đảo không chỉ có công dân các nước Đông Nam Á mà còn có các nạn nhân buôn người từ châu Phi xa xôi, đặc biệt là các cô gái trẻ thất nghiệp. Họ đã mô tả các trung tâm lừa đảo trực tuyến như hỏa ngục trần gian.

Kỳ tới: Nữ nhi sa chân vào hang sói

Lần theo vòi bạch tuộc lừa đảo người lao động - Kỳ 1: Sống sót trở về từ sòng bài tử thần Campuchia - Ảnh 3.Campuchia trục xuất 119 người Thái Lan sau cuộc đột kích trung tâm lừa đảo

Ngày 1-3, Campuchia thông báo quốc gia này đã trục xuất 119 người Thái Lan qua khu vực biên giới hai nước. Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch truy quét các trung tâm lừa đảo trực tuyến.

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bị cáo buộc nhận hối lộ 43 tỉ đồng

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 29/03/2025 19:50

Cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bị cáo buộc nhận hối lộ 43 tỉ đồng

tác giả

Ông Hoàng Quốc Hùng, cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 43 tỉ đồng để giải quyết gần 55.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Lý lịch tư pháp - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Hùng - Ảnh: PHẠM QUỲNH

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; các văn phòng công chứng Nguyễn Lâm, Lại Khánh và một số đơn vị.

Cơ quan an ninh điều tra đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Hùng, cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cùng ba bị can về tội đưa hối lộ.

Trong đó có ông Phạm Quang Hậu, nhân viên Công ty luật Vicco; Lương Nhân Hòa, cựu phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; Nguyễn Đình Cảnh, cựu phó phòng hành chính tổng hợp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Có 14 bị can bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ gồm Nguyễn Xuân Thọ, đại diện văn phòng giao dịch Công ty luật Vicco; Nguyễn Quốc Huy; Nguyễn Ngọc Thư; Nguyễn Thị Thu Trang; Nguyễn Ngọc Cường, biên tập viên Nhà xuất bản Tư Pháp, Bộ Tư pháp; Nguyễn Lê Thành; Tạ Thị Trang; Đinh Văn Dư; Hà Thanh Hằng; Nguyễn Văn Hướng, giám đốc Công ty đầu tư quốc tế Gia Hợp; Nguyễn Thị Ngọc, chuyên viên Sở Tư pháp TP Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Hiền, cựu cán bộ Vụ Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Phương Nam, cựu phó phòng bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP Hà Nội; Nguyễn Tú Anh.

Bốn người bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Trương Thị Nga, cựu công chứng viên; Lại Hồng Khánh, cựu công chứng viên; Lương Minh Sơn, nhân viên Văn phòng công chứng Nguyễn Lâm và Vũ Nam, cựu công chứng viên.

Cơ quan điều tra xác định đây là vụ án tham nhũng, chức vụ liên quan lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, được dư luận xã hội quan tâm.

Một số bị can trong vụ án có hành vi nhận hối lộ hơn 43 tỉ đồng để làm dịch vụ, giải quyết hơn 55.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Kết luận điều tra xác định giai đoạn 2015 - 2023, bị can Hoàng Quốc Hùng là giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, trực tiếp chỉ đạo và quyết định mọi vấn đề liên quan đến công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp; có thẩm quyền ký hoặc ủy quyền cho cấp dưới ký phiếu.

Từ tháng 1-2019 đến tháng 7-2023, Hùng được sự giúp sức của các đồng phạm đã nhiều lần nhận tiền hối lộ để cấp phiếu lý lịch tư pháp trái quy định pháp luật.

Trong đó, Hùng được bị can Hậu giúp sức, nhận hối lộ hơn 32 tỉ đồng để giải quyết hơn 40.000 hồ sơ cấp phiếu. Đồng thời Hùng còn được các bị can Hòa và Phạm Hậu giúp sức nhận hối lộ hơn 8,2 tỉ đồng để giải quyết hơn 10.000 hồ sơ.

Hoàng Quốc Hùng còn được nhóm bị can Cảnh và Hậu giúp sức nhận hối lộ hơn 3,5 tỉ đồng để giải quyết hơn 4.678 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Trong tổng số 43 tỉ đồng nhận hối lộ nói trên, bị can Hùng chiếm hưởng hơn 38 tỉ đồng. Nhóm Hậu, Hòa và Cảnh chia nhau chiếm hưởng số còn lại.

Cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bị cáo buộc nhận hối lộ 43 tỉ đồng  - Ảnh 2.Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bị bắt về tội nhận hối lộ

Giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.

Động đất ở Myanmar: Cơn địa chấn đi qua

 

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 29/03/2025 08:55

Động đất ở Myanmar: Cơn địa chấn đi qua

Bất thần mà đất trời rung chuyển. Rất nhiều người ở TP.HCM, Hà Nội chiều qua (28-3) đã nhanh chóng nhận ra mình không phải bị choáng váng hay rối loạn tiền đình mà sự rung chuyển cảm thấy được này chính xác là dư chấn của một cơn động đất.

Động đất ở Myanmar: Cơn địa chấn đi qua - Ảnh 1.

Tòa nhà ở Bangkok đổ sụp sau trận động đất - Ảnh: AFP

Trên bản đồ, rãnh đứt gãy, tâm chấn không gần nhưng lại là những cái tên quen thuộc Mandalay - Yangon (Myanmar), Bangkok (Thái Lan). Hình ảnh, video về diễn biến, thiệt hại mau chóng được cập nhật khiến bao người sững sờ.

Nhà cao tầng đổ sập, cầu qua sông gãy tất cả các nhịp, hồ bơi tầng thượng cao ốc trút nước xuống từ trời, bắt đầu xuất hiện những con số về người bị thương vong... 

Ở Việt Nam, trên tầng cao chung cư, một số căn hộ xuất hiện vết nứt trên trần nhà, có nơi vỡ mấy bóng đèn chùm

Mọi người bảo nhau: "Việt Nam thật may mắn" được nhiều ưu ái của thiên nhiên khi mà nhiều năm mới có một lần cảm nhận dư chấn động đất và cùng cầu nguyện cho những người nước bạn kém may mắn hơn.

Phải, trước thiên nhiên, con người thật bé nhỏ và những thiên tai như động đất dưới những tầng sâu địa chất lại vẫn chưa thể dự báo trước dù khoa học và công nghệ đã bay rất xa vào vũ trụ. 

Dù giấc mơ chinh phục thiên nhiên vẫn đang dần lớn, dần trở thành hiện thực mỗi ngày thì thiên nhiên vẫn thi thoảng lên tiếng nhắc nhở con người về những giới hạn của mình. 

Chỉ một phút rùng mình như chiều qua thôi đã khiến Myanmar phải lên tiếng kêu gọi viện trợ quốc tế và bao nhiêu người đang sống - làm việc trên các khu nhà cao tầng tận Hà Nội, TP.HCM cách tâm chấn hàng ngàn kilômet phải một phen hoảng hốt.

Hoàn hồn rồi, nhiều người vào mạng cập nhật thông tin, tìm hiểu thêm những kiến thức khoa học về động đất, cập nhật thêm thông tin về kiến trúc, độ chịu đựng rung lắc của những tòa nhà cao tầng của mình - quanh mình, tìm hiểu nền địa chất của thành phố, của thềm lục địa, tìm xem hướng dẫn ứng xử với động đất... 

Thật nhiều điều cần biết sau một cơn địa chấn và sau những kiến thức đó nữa, người ta lại biết thêm những ngộ nhận của chính mình.

Thì ra, chẳng phải đất đá thì không biết nói năng, không biết vận động mà một khi đất đá lên tiếng, con người chỉ còn cách im lặng mà thầm cầu nguyện trong lòng. 

Thì ra, đất nước Việt Nam mà trước đây, đôi khi chúng ta đã tự an ủi còn nghèo, cực nhưng lại là nơi được ưu đãi, được chở che khỏi những thảm họa không bề chống đỡ dù có nằm bên rìa vành đai núi lửa Thái Bình Dương. 

Thì ra, hàng ngàn kilômet không phải xa mà là rất gần để chúng ta biết biên giới chỉ là những lằn ranh trên bản đồ do con người đặt ra, còn với thiên nhiên thì chỉ là một, với nỗi đau cũng chỉ là một. 

Thì ra, những còn - mất trong đời thật sự có thể là chớp mắt và cuộc sống với bao nhiêu sắc màu, cảm xúc mỗi ngày thật sự là món quà kỳ diệu được ban cho.

Địa chấn không phải lần đầu, thảm họa đã từng xảy ra với những thiệt hại lớn hơn gấp nhiều lần, con người cũng đã từng tự vấn nhiều lần, nhiều phương cách. 

Và động đất vẫn là một bí ẩn chưa thể dự báo trước để có đủ thời gian chuẩn bị ứng phó. 

Cơn địa chấn đi qua, để lại những đổ vỡ mà con người sẽ xây dựng lại, để lại những câu chuyện mà con người sẽ kể lại, để lại những ngày mà con người sẽ biết sống sao cho tốt đẹp hơn.

Cơn địa chấn đi qua - Ảnh 1.Việt Nam thăm hỏi Myanmar và Thái Lan sau động đất

Lãnh đạo Việt Nam đã có điện thăm hỏi Thái Lan và Myanmar sau trận động đất mạnh gây ra thiệt hại nặng nề cho hai quốc gia ngày 28-3.