Bộ Chính trị điều động, chỉ định ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao quyết định và hoa chúc mừng ông Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 25-1-25, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ông Lê Minh Hưng - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM được công bố hôm nay 25-1 tại Thành ủy TP.HCM.
Quyết định nêu ông Nguyễn Thanh Nghị được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và giữ chức Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó Bộ Chính trị cũng đã có quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trước khi làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nghị đã trải qua nhiều vị trí ở Chính phủ, địa phương và đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII. Tại các nhiệm kỳ này, ông Nghị đều là một trong những thành viên trẻ của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ.
Năm 2011, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Nguyễn Thanh Nghị trở thành một trong các ủy viên dự khuyết trẻ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khi vừa 35 tuổi. Cũng trong nhiệm kỳ này, vào tháng 10-2015 ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Năm 2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Nghị là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi 40 tuổi.
Đến năm 2021, ông Nguyễn Thanh Nghị tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Cùng năm, ông được Quốc hội phê chuẩn trở thành Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khi 45 tuổi.
Tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: Q.H
Từ năm 2011, sau khi được bầu là ủy viên Trung ương dự khuyết, ông được phân công, bầu giữ nhiều vị trí công tác: Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Phó bí thư, Phó chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Năm 2021 đến nay ông làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Được điều động, chỉ định làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nghị trở về với nơi ông từng có rất nhiều năm gắn bó khi là sinh viên, giảng viên, hiệu phó Trường đại học Kiến trúc TP.HCM.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký một số nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự và việc chuẩn bị công việc liên quan tinh gọn bộ máy.
Trong khi ở các tỉnh thành phía Bắc, hầu hết học sinh giỏi quốc gia đến từ các trường THPT chuyên thì ở phía Nam, không ít học sinh đến từ trường thường (không chuyên).
Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM - một ngôi trường THPT thường có học sinh giỏi quốc gia năm nay - trong lễ khai giảng năm học 2024-2025 - Ảnh: Đ.K
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025. Kết quả này gây "sốt" khi không chỉ chênh lệch số lượng giải học sinh giỏi quốc gia, chênh lệch số lượng "thủ khoa" 13 môn thi giữa miền Bắc và miền Nam mà cơ cấu học sinh đạt giải giữa hai miền cũng trái ngược nhau.
"Hiện tượng trường thường" ở các tỉnh phía Nam
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học này có 18/63 tỉnh thành chỉ có học sinh từ các trường chuyên đạt giải, hoàn toàn không có học sinh từ các trường THPT thường. Đa số các tỉnh thành này ở khu vực phía Bắc, miền Trung.
Trong bảng thống kê các trường THPT thường có học sinh đạt giải quốc gia năm học 2024-2025, TP.HCM dẫn đầu về số trường THPT không chuyên có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia với 12 trường.
Đáng nói là năm học 2024-2025, TP.HCM có 16/18 trường THPT thường có học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (2 trường còn lại là 2 trường THPT chuyên gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Như vậy, số lượng trường THPT thường ở TP.HCM có học sinh đạt giải quốc gia cao với 12/16 trường có học sinh tham dự cuộc thi.
Đáng chú ý trong đó không ít trường lần đầu có học sinh tham gia trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đã giành thành tích như: THPT Trưng Vương, THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, THPT Phú Nhuận, Trường THCS-THPT Đức Trí (trường tư thục) đã có học sinh đạt giải.
Cũng theo thống kê này, các tỉnh còn lại hầu hết đều thuộc khu vực phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên, ngoại trừ Hà Nội xếp thứ hai với 11 trường THPT thường có học sinh đạt giải.
Đặc biệt nhất là tỉnh Sóc Trăng. Tuy chỉ có 28 giải học sinh giỏi quốc gia nhưng học sinh 9 trường THPT không chuyên của tỉnh đạt 12 giải, số còn lại đến từ trường chuyên.
Học sinh trường không chuyên tỉnh Vĩnh Long cũng đóng góp 6/17 giải học sinh giỏi quốc gia của tỉnh này. Cà Mau và một số tỉnh phía Nam khác cũng có số lượng đóng góp giải quốc gia từ các trường THPT thường khá nhiều.
Như vậy, trong khi hầu hết học sinh đạt giải quốc gia ở các tỉnh thành phía Bắc đến từ trường chuyên thì ở phía Nam, không ít học sinh đến từ trường thường đạt giải.
Vì sao?
Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM là một trường THPT thường có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025. Ông Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng, cho biết tuy là năm đầu tiên kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có thêm môn thi tiếng Nhật nhưng nhà trường đã mạnh dạn chọn học sinh vào đội tuyển và may mắn học sinh này đã đạt giải quốc gia trong kỳ thi năm nay.
"Đối với một trường bình thường, việc học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia phải là kết quả từ nhiều phía. Đó là từ năng lực của học sinh, từ sự tận tụy của thầy cô bồi dưỡng đội tuyển, chủ trương của nhà trường coi trọng việc đào tạo mũi nhọn của các môn và sự hỗ trợ nhiều mặt từ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Việc có mũi nhọn học sinh giỏi sẽ khích lệ tinh thần học tập rất nhiều trong cán bộ, giáo viên, học sinh nên trường cũng rất chú trọng và may mắn là kết quả năm nay cũng khiến chúng tôi phấn khởi", ông Khoa thông tin.
TP.HCM dẫn đầu cả nước trong cả bảng xếp hạng số lượng học sinh đạt giải quốc gia và có nhiều học sinh từ trường THPT thường đạt giải trong kỳ thi năm nay. Tổng số giải thưởng học sinh giỏi quốc gia mà TP.HCM đạt được qua 3 năm đã tăng lên khoảng gấp 3 lần. Năm 2023 TP.HCM có 60 giải học sinh giỏi quốc gia; năm 2024: 110 giải và đến năm 2025 tăng lên 166 giải.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết từ năm học 2023-2024, TP.HCM chú trọng đổi mới công tác giáo dục mũi nhọn, từng bước khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng đội tuyển nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong đó tập trung đổi mới cách tuyển chọn học sinh giỏi thành phố, quốc gia, đổi mới cách bồi dưỡng, đào tạo.
"Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, chúng tôi mời chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học để cùng tham gia đào tạo cho học sinh thuộc đội tuyển thành phố thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tăng cường chỉ đạo các trường chuyên thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh chuyên.
Bên cạnh đó, chúng tôi quy tụ nhiều nguồn lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi như mời các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đóng góp ý kiến để công tác này ngày càng tốt hơn", ông Quốc chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, việc có nhiều trường THPT thường ở miền Nam có học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay đã chứng tỏ một điều: các tỉnh, thành miền Nam đã chú ý nhiều hơn đến sự phát triển đồng đều giữa các trường THPT, trong đó có đầu tư cho công tác giáo dục mũi nhọn.
Tạo điều kiện cho học sinh trường thường
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, TP.HCM thực hiện tuyển chọn cân đối giữa số lượng, chất lượng, đảm bảo tất cả học sinh học lớp chuyên được tham gia học tập và thi chọn đội tuyển tham dự giải quốc gia, thi học sinh giỏi thành phố.
Đồng thời Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng tạo điều kiện cho các học sinh xuất sắc trong các trường phổ thông tham gia chọn đội tuyển.
Nhờ "hạt giống tốt"
Thầy Phạm Việt Hưng, hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi, tặng quà động viên các học sinh giỏi - Ảnh: T.HUYỀN
Trường THPT Đầm Dơi là trường thuộc huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau. Tuy vậy, những năm qua nơi đây là "cái nôi" sinh ra nhiều học sinh giỏi quốc gia. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, trường này đã có đến 8 em đạt học sinh giỏi quốc gia. Trong đó, có 1 học sinh đạt giải nhì môn vật lý (nhóm 3 học sinh điểm cao nhất), 2 học sinh đạt giải ba môn sinh học và môn văn.
Thầy Phạm Việt Hưng - hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi - cho biết không chỉ có năm nay trường mới có học sinh giỏi quốc gia mà điều này đã trở thành truyền thống của nhà trường.
"Để có được kết quả đó phải kể đến sự đồng lòng của tập thể giáo viên trường trong việc phát hiện, đào tạo và định hướng các em. Sự nỗ lực vươn lên trong học tập của các em, hỗ trợ của phụ huynh học sinh cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành tích này.
Học sinh của trường có truyền thống hiếu học và các em được quan tâm chăm bồi từ nhỏ. Nó như là những "hạt giống tốt", khi gặp môi trường thuận lợi sẽ nảy mầm và phát triển", thầy Hưng nói.
Ông Nguyễn Quốc Khởi (cha của Nguyễn Nhật Duy, vừa đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn sinh học) cho biết rất vui mừng vì con đạt thành tích trong học tập.
"Tôi nghĩ có được kết quả này một phần là công giảng dạy của các thầy cô giỏi ở trường và một phần là tinh thần tự học, cố gắng của em. Duy tự lập lên huyện ở trọ học tập từ năm lớp 10. Duy tự nấu ăn, tự lo bài vở, chuyện sắp xếp thời gian biểu để học tập được tôi rèn cho con từ năm tiểu học, không cần gia đình nhắc nhở", ông Khởi chia sẻ.
Cô Trịnh Hải Minh, giáo viên môn văn của Trịnh Gia Huy, lớp 12A1 Trường THPT Đầm Dơi (vừa đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia), cho biết dạy một học sinh học tốt không khó nhưng để dạy một học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia không phải là điều dễ dàng.
"Các em học sinh giỏi của trường đã có kiến thức nền rất tốt do được đào tạo tốt từ các cấp học dưới. Bắt đầu từ lớp 10, trường đã chia ra những lớp chuyên. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy mình phải theo dõi và phát hiện các em có năng khiếu môn nào thì tiếp tục chăm bồi định hướng cho các em trong những năm tiếp theo.
Điều kiện vùng sâu vùng xa nên việc tiếp cận sách vở, thông tin của các em còn hạn chế. Điều cốt yếu là mình phải tự trau dồi, cập nhật thêm kiến thức mới để bổ sung cho các em, tập cho các em tính phản biện vấn đề để rèn các em thoát khỏi tính nhút nhát, tự tin thể hiện chính kiến của mình", cô Minh chia sẻ.
Những ngày đầu năm 2025, thầy trò Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) ngập tràn niềm vui khi trường có hai học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng khi chúng ta đã chứng kiến xu hướng Trung Quốc + 1, tức dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để bảo đảm an toàn hơn.
Hàng nhập khẩu Mỹ bán tại siêu thị MM Mega Market, TP. Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chắc chắn chính quyền Trump sẽ muốn kéo nhiều nhà sản xuất sang nước họ, nhưng đồng thời cũng phải phân tán sang những nước thân thiện và hữu nghị (các nước friendshoring). Đó là cơ hội cho các nước ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
Với Việt Nam có cả điểm thuận và điểm không thuận. Điểm thuận là quan hệ hai nước đang tiếp tục cái đà phát triển. Tổng thống Trump đã từng hai lần đến Việt Nam và khi ông thắng cử đã có các cuộc tiếp xúc đặc biệt là cuộc điện đàm giữa ông với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đồng thời lợi ích kinh tế thương mại chiến lược của hai bên là đan xen với nhau, khi nó không chỉ có lợi cho Việt Nam mà có lợi cho cả Mỹ, cả về kinh tế và chiến lược.
Trong bối cảnh đó, vấn đề nổi cộm lớn nhất là chuyện Việt Nam đang có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ.
Câu chuyện thâm hụt thương mại lớn đó cũng cần phải được hiểu nhiều chiều. Mỹ không thể sản xuất tất cả mà vẫn phải nhập từ nước ngoài. Hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh lớn là một điều có lợi cho Mỹ.
Chắc chắn thâm hụt thương mại là vấn đề ông Trump sẽ quan tâm và không thể biết ông ấy sẽ tuyên bố áp thuế quan khi nào.
Song có một điều nên hiểu rõ, đó là Việt Nam không phải là đối tượng hay đối thủ để ông Trump thực sự muốn trừng phạt bằng thuế quan, bởi ông sẽ muốn hai bên đạt được thỏa thuận thông qua đối thoại và đàm phán.
Lấy ví dụ như Canada và Mexico, hai nước láng giềng của Mỹ. Ông Trump gây sốc khi tuyên bố muốn Canada thành bang thứ 51 hay áp thuế với Mexico, nhưng ẩn sau đó là mong muốn giải quyết vấn đề nhập cư lậu và rất có thể là sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Có ba việc Việt Nam cần phải làm. Chúng ta có thể mua những hàng hóa Mỹ muốn bán và Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với túi tiền như máy bay dân dụng, khí hóa lỏng hay nông sản...
Thế nhưng liên quan thương mại, điều quan trọng hàng đầu không phải là việc chỉ giảm thâm hụt mà việc cần nhấn mạnh là sự minh bạch và công bằng.
Chính phủ Việt Nam đã luôn nhấn mạnh việc minh bạch về xuất xứ hàng hóa và trên thực tế đã làm rất nghiêm túc, nhưng có một thực tế khách quan là hàm lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn nhiều và đó là điều Mỹ rất quan tâm.
Điều này dẫn tới việc cần làm thứ hai là đa dạng hóa nguồn cung và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và vào nước Mỹ nói riêng.
Một điểm nữa cũng rất phù hợp với xu hướng hiện nay là tăng cường sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam nói chung và trong đó có doanh nghiệp Mỹ, tranh thủ cả về thương mại, đầu tư và công nghệ.
Cần phải chú ý và nhấn mạnh hơn, có những bước đi ngay trước mắt để xử lý những điểm nghẽn trong đầu tư, kinh doanh của nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.
Với một đối tác có hợp tác đan xen cùng có lợi với Mỹ như Việt Nam, nếu ông Trump muốn áp thuế quan sẽ có cảnh báo từ phía Mỹ. Việc áp thuế quan sẽ đi từng bước, không đồng loạt bởi ông Trump muốn có lợi thế đàm phán chứ không phải trừng phạt rồi không được gì.
Nhưng chúng ta không nên đợi đến nước đó mà cần phải có những động thái đi trước như vừa kể trên.
Rõ ràng là Việt Nam cần chú ý đến vấn đề thâm hụt thương mại, tạo cơ chế đối thoại với Mỹ nhưng cũng cần hiểu rằng đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội và sự đan xen lợi ích, vị trí của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và có không gian để xoay xở, giải quyết vấn đề.
Ông Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2025) và 50 năm chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước Việt Nam, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước (1975 - 2025).
Ngày nay, những đổi thay của đời sống hiện đại làm những chuyện thăm nhau ngày Tết có vẻ vơi dần. Làm sao ngày xuân chúng ta vẫn thăm nhau như truyền thống đẹp đẽ bao đời?
Khoảnh khắc sum họp ngày Tết của gia đình vợ qua ống kính của chàng rể Úc - Ảnh RAY KUSCHERT
Ngày Tết, bà con, bạn bè, đồng nghiệp thường đi đến nhà thăm nhau, hàn huyên, chúc nhau năm mới thái hòa. Liệu truyền thống đó có mai một khi giờ đây các phương tiện, công cụ của cuộc sống hiện đại giúp ta có thể "gặp nhau" gần như mỗi ngày?
Những lời thăm hỏi, chúc Tết không phôi pha
Với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Hiệp, việc đi thăm hỏi họ hàng, thầy cô, bạn bè, láng giềng ngày xuân là một mỹ tục cổ truyền đáng quý.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Hiệp
Chúc Tết đầu năm là một nếp sống, nét văn hóa đẹp và lâu đời của người Việt.
Trong những ngày đầu xuân, gia đình ông Hiệp quây quần, tề tựu bên nhau.
Con cái chúc cha mẹ nhiều sức khỏe; còn bậc sinh thành thì chúc những người con ngoan, học giỏi, trưởng thành hơn, ăn mau chóng lớn trong năm mới... Còn họ hàng ăn mặc chỉnh tề, vui vẻ chúc tụng lẫn nhau.
Những câu chúc Tết "nhiều sức khỏe", "năm mới phát tài", "vạn sự như ý", "thành đạt trong cuộc sống", "sống lâu trăm tuổi"... rộn vang bên chén trà, hạt sen, mứt và đôi khi là cốc rượu vang. Quen thuộc nhưng chẳng phôi pha.
Mâm tiệc thăm hỏi ngày Tết của gia đình ông thường có bánh chưng, củ kiệu, thịt kho trứng, thịt đông... giản dị và ấm cúng. Theo ông Hiệp, những câu đối Tết như "cung chúc tân xuân" mang con người và cộng đồng xích lại gần nhau hơn, cùng hướng tới mọi điều tốt đẹp trong năm mới.
Nghệ sĩ Lê Thiện: Nhớ cái Tết ân tình ở đất Bắc
Ngày Tết, thăm hỏi nhau là cách mình gìn giữ những mối quan hệ quý giá và sống lại ký ức tươi đẹp của một thời khó quên.
LÊ THIỆN
Hồi 11 - 12 tuổi, nghệ sĩ Lê Thiện từ quê nhà Bình Định được chọn vào Đoàn văn công quân đội Nam Bộ, sau này trụ hẳn ở Đoàn cải lương Nam Bộ, nên Tết với bà là những ký ức khó quên ở đất Bắc.
Bà nhớ vì còn nhỏ quá nên mấy ngày Tết được nhiều cô chú yêu thương đón về nhà ăn Tết cùng, được họ xem như thành viên trong gia đình, cho ăn các món ngon ngày Tết và được nhận cả tiền lì xì.
Nghệ sĩ Lê Thiện
"Khát khao tình cảm gia đình của một đứa nhỏ đã được các cô chú yêu thương đùm bọc, nhất là vào những ngày Tết - những ngày dễ khiến mình tủi thân nhất.
Những cái Tết xa quê nhưng đầy ấm áp đã được tôi tích lũy để đưa vào hết trong nhân vật người bà của bộ phim được khán giả yêu thích Dù gió có thổi" - bà Lê Thiện xúc động nói.
Sau 1975, khi vào Nam công tác, bà Lê Thiện vẫn rất thích cảm giác Tết được đến nhà người quen, hàng xóm thăm hỏi và chúc Tết, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.
"Cách đây khoảng 10 năm thì thói quen đó vẫn còn, nhưng theo thời gian cuộc sống khác đi, người ta dường như bận rộn hơn. Hàng xóm gần nhà mà có khi cả nửa năm chẳng gặp mặt. Mình cũng bắt đầu ngại hơn vì đôi lúc sợ thăm hỏi, chúc Tết làm phiền họ. Vậy nên, giờ chỉ có mối quan hệ nào thân thiết mới dám đến.
Với tôi thì có những mối quan hệ chí cốt tình thâm từ miền Bắc mà đến giờ cứ tới Tết là mình phải tranh thủ tới thăm, tặng quà, trò chuyện, chúc Tết. Đó là chị Phi Điểu - người chăm sóc, yêu thương tôi như gia đình, dỗ dành mỗi khi tôi khóc nhớ nhà. Còn có chị Hoàng Khanh, chị Hoàng Thị Hiền..." - bà tâm sự.
Nghệ sĩ Lý Hương: Có áo mới mặc đủ ba mùng Tết
Lý Hương và Lý Hùng hiện ở chung nhà với mẹ. Cả hai đều không nhận sô ngày Tết mà dành toàn bộ thời gian cho gia đình, đến khoảng mùng 6 mới bắt đầu làm lại.
Gia đình chị bao nhiêu năm qua vẫn giữ truyền thống ngày Tết dành cho nhau: "Mùng 1 Tết các anh chị em đều tập trung nhà mẹ, đại gia đình cùng nhau ăn bữa cơm năm mới.
Mùng 2 Tết, mọi người lại đi chúc Tết và ăn uống ở gia đình các anh chị em. Đến mùng 3 Tết thì chúng tôi sắp xếp đi du lịch cùng nhau.
Lý Hương và ba - NSND Lý Huỳnh - Ảnh: NVCC
Những quy định này là do ba tôi (cố nghệ sĩ Lý Huỳnh) đặt ra. Lúc còn sống, ông căn dặn các anh chị em cần tiếp tục gìn giữ truyền thống này ngày Tết.
Anh chị em tôi nhớ lời ba dạy, năm nào cũng thực hiện đúng như vậy. Bạn bè hiểu và tôn trọng nếp sống của gia đình tôi nên hầu như không ai rủ rê trong dịp Tết".
Lý Hương vẫn nhớ mãi cứ đến ngày Tết ba mẹ mua cho mỗi đứa con ba bộ đồ mới ngày Tết để mặc trong ba mùng Tết lấy hên. Chị bảo ba là người đàn ông gia đình, yêu thương vợ con. Các con noi gương ba nên cũng rất yêu thương nhau.
Năm nay gia đình tôi vui vì mẹ dù trải qua một cơn bệnh nặng nhưng may mắn vượt qua được và bình phục.
Con gái tôi cũng về Việt Nam ăn Tết cùng bà ngoại, mẹ, các cậu dì. Cháu tuy sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng thích đón Tết truyền thống Việt Nam. Ngày Tết được quây quần bên nhau còn gì hạnh phúc bằng.
Nghệ sĩ Bảo Quốc: Tết thăm nhau, xóa bỏ giận hờn
Chỉ có đón xuân ở Việt Nam tôi mới cảm nhận đủ, đúng nghĩa không khí Tết.
BẢO QUỐC
Năm nay vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc về Việt Nam rất sớm để chuẩn bị đón Tết ở quê nhà. Ở Việt Nam hay ở Mỹ, cứ mỗi dịp Tết, gia đình nghệ sĩ Bảo Quốc luôn muốn tạo được cái Tết vui vẻ, đầm ấm.
Cứ sau giao thừa là gia đình ông đi xe máy đến viếng một số ngôi chùa quen thuộc đến tận 3-4h sáng. Sau đó, ghé quán ăn nào đó bên đường ăn nhẹ, tận hưởng thời khắc đặc biệt của năm mới.
Nghệ sĩ Bảo Quốc và vợ trong những ngày xuân - Ảnh: NVCC
Mùng 1 Tết, chừng 10h là con cháu tề tựu tại nhà ông, xúng xính trong những chiếc áo dài mới chúc Tết ông bà và nhận tiền lì xì may mắn. Không chỉ giữ phong tục đẹp quây quần trong gia đình ngày năm mới mà chừng mùng 2 trở đi là Bảo Quốc tranh thủ thời gian đi thăm hỏi chúc Tết bà con và hàng xóm.
Ông vui vẻ nói: "Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau nên tôi có thói quen tạo quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Cứ Tết tới mình dành thời gian đến thăm họ một chút, bắt tay nhau, cười thiệt vui, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp.
Sống gần nhau chắc có lúc cũng hiểu lầm hay mâu thuẫn gì đó, Tết thăm nhau cũng coi như là sự hóa giải, làm huề, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Người Việt Nam mình coi vậy chứ không chấp nhất gì nhiều. Đầu năm cười vui vẻ với nhau cũng là cơ hội mình xóa bỏ những giận hờn, những gì không vui trong năm qua".
Diễn viên Võ Minh Lâm: Để con cháu còn biết cội nguồn
Ký ức về những ngày Tết thơ bé của Võ Minh Lâm là theo chân bà nội, các cô đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm. Ở quê thì bọn trẻ nhà này nhà kia chạy qua chạy lại hà rầm, nhưng Tết mà đi thăm viếng, chúc Tết dường như đặc biệt hơn.
Diễn viên Võ Minh Lâm
Bọn trẻ được mặc áo mới, gặp nhau còn để khoe coi bữa nay tao... bảnh như thế nào, rồi được người lớn cho ăn bánh ăn kẹo thả ga.
Rồi xúm nhau, trố mắt nghe người lớn nghiêm trang nói những lời đẹp đẽ chúc nhau mà ngày thường chúng không thấy. Cũng ngộ ngộ và dường như vô thức cũng ngấm vào tâm hồn trẻ những điều hay ho.
Lớn lên Lâm đến thành phố làm việc, hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật mà dường như nghỉ Tết là một điều khá xa xỉ.
Nhất là khi sống ở những chung cư mà đôi khi người ta có thể không biết hàng xóm kế bên là ai.
Thế nhưng, Võ Minh Lâm cho biết trong những ngày lưu diễn Tết, nếu có dịp đến những nơi có bà con sinh sống thì anh đều tranh thủ đến thăm, chúc Tết họ trước giờ diễn.
Anh cho rằng cả năm ai cũng bận rộn, Tết mà có thể thăm hỏi nhau là một dịp rất tốt để thắt chặt tình thân. Quan trọng hơn là bản thân và con cháu mình còn biết được họ hàng của mình là ai, chỉ có gặp nhau thì mới phát triển được tình cảm và gìn giữ được cái gốc, cội nguồn của mình.
Tết Novruz ở Azerbaijan cũng thăm hỏi, biếu quà lẫn nhau
Diễn viên nhạc kịch Sevinch Orujova mang hai dòng máu Việt - Azerbaijan. Cô sinh ra và lớn lên ở Nga nên được ăn đến tận 3 cái Tết khác nhau trong năm. Đó là Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Tết Novruz của Azerbaijan.
Diễn viên nhạc kịch Sevinch Orujova
Sevinch bảo Tết Novruz khá tương đồng với Tết cổ truyền của người Việt vì đến thời điểm này mọi người cũng đón xuân và có những món ăn truyền thống mặc định cần chuẩn bị trên bàn ăn.
Giống như bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả cần có trong ngày Tết Việt.
Đặc biệt người người nhà nhà cũng trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, tươm tất để đón khách và họ hàng từ khắp nơi đến thăm.
Khi đi thăm nhau, mọi người thường hay biếu quà và tặng tiền để mong cầu điều may mắn, hạnh phúc trong năm mới đến nhau.
Với Sevinch, việc gặp gỡ thăm hỏi trong dịp Tết cổ truyền là điều cần thiết bởi đây là phút giây để gắn kết họ hàng, gia đình, tình thân với nhau sau một năm "lăn lộn" ngoài đời sống, ít có thời gian gặp gỡ nhau.
Còn nếu trong dịp Tết không thể đến trực tiếp để gặp gỡ, thăm hỏi thì việc nhắn tin, gọi điện chúc Tết nhau thôi cũng là đã quý lắm rồi vì biết rằng người ta vẫn nghĩ và nhớ đến mình...
Nghệ sĩ Hạnh Thúy: Kết nối gia đình nhiều hơn
Tết là điều gì đó rất thiêng liêng. Lúc còn nhỏ, tôi sống ở Bến Tre. Tết xưa mọi người nô nức, chuẩn bị Tết từ sớm lắm. Tôi nhớ mình được may quần áo mới từ mấy tháng trước lận. Các thợ may trước một hai tháng là không còn nhận may nữa.
Nghệ sĩ Hạnh Thúy
Ở xóm có nhà làm mứt dừa, nhà làm bánh tráng... rồi sau đó mọi người hùn lại, chia phần, thế là thành Tết.
Các món đơn giản, dân dã, đồng quê thôi như bánh tráng dừa, bánh tráng mì, bánh phồng, kẹo dừa, mứt mãng cầu, mứt bí... không vênh vang như bây giờ nhưng vui quá chừng.
Cái mà mọi người khoe nhất là cây mai nhà. Ai cũng "nuôi" mai, chăm sóc mai kỹ lưỡng.
Sau đó mọi người xem nhà nào có cây mai đẹp nhất, rạng rỡ nhất thì nhà đó năm mới có nhiều niềm vui, may mắn. Những niềm vui nho nhỏ gắn kết mọi người với nhau.
Tết xưa mọi thứ đổ ra chợ Tết. Có những thứ mà ngày nay ít nhà treo như tranh liễn in những câu chuyện như Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa... và những câu răn dạy người ta sống tử tế. Bây giờ mọi thứ đã có dịch vụ, mọi người không vất vả đón Tết như xưa. Cuộc sống đơn giản hơn, tính cá nhân đặt lên cao.
Mỗi người có cách giữ Tết. Với tôi, Tết cũng đơn giản hơn trước. Nhưng có những phong tục gia đình tôi vẫn giữ.
Đêm giao thừa cả nhà tôi ngồi với nhau uống trà, ăn bánh, nói với nhau về những điều tốt đẹp, vui vẻ. Việc cúng kiếng các ngày đặc biệt cũng được duy trì một cách nghiêm túc. Chính những giây phút thiêng liêng này kết nối các thành viên trong gia đình nhiều hơn.
Ngày xưa, người ta chỉ chờ Tết để về quê, thăm thú người thân, thầy cô, bạn bè. Ngày nay Tết là dịp đi du lịch, thậm chí đơn giản chỉ là được ngủ khi không phải đi làm.
Điều này khiến cái Tết có thể nhẹ nhàng nhưng giá trị kết nối, cội nguồn mất đi nhiều.
Tết đến, nhớ về thăm ông bà
Mùa Tết là một trong những dịp mà nghệ sĩ sân khấu có thể đi diễn nhiều nhất. Còn "cô đào hát" Tú Quyên thì mong muốn dành thời gian cho gia đình, chứ không nhận sô diễn Tết.
"Vì mẹ tôi mong đến Tết con cháu phải về sum họp đầy đủ, rồi sửa sang nhà cửa, chuẩn bị đi thăm hỏi họ hàng và người thân.
Phần vì một năm xa nhà lâu quá, tôi cũng thấy nhớ lắm...", Tú Quyên nói.
Trong ba ngày đầu năm, Quyên sẽ đi thăm, chúc Tết ông bà nội ngoại. Nếu ông bà không còn thì vẫn về để thắp nhang tưởng nhớ.
Diễn viên phim Song Lang luôn xem trọng điều này và cô nhận thấy nét văn hóa này vẫn không lạt phai trong tâm tưởng của người Việt. Với Quyên, Tết là để về nhà, về với vòng tay yêu thương của mẹ và với ký ức tươi đẹp bên ông bà...!
Ngày nay cuộc sống đủ đầy hơn, mọi người chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết. Chơi Tết nay lại nhớ về Tết xưa. Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu... cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ về Tết xưa và Tết nay.