Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Độc đáo cà phê nước mắm nhĩ Nam Ô, khách thích mê vì vừa lạ, vừa ngon

 Nhịp sống trẻ

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 10/12/2024 09:21

Độc đáo cà phê nước mắm nhĩ Nam Ô, khách thích mê vì vừa lạ, vừa ngon

Sự kết hợp độc đáo giữa nước mắm nhĩ Nam Ô cô đặc cùng cà phê rang xay đã mang đến hương vị mới lạ cho thức uống vốn quen thuộc của người Việt Nam.

Độc đáo cà phê nước mắm nhĩ Nam Ô, khách thích mê vì vừa lạ, vừa ngon - Ảnh 1.

Du khách thích thú khi thưởng thức cà phê mắm Nam Ô - Ảnh: THANH THÙY

Từ tình yêu và mong muốn lan tỏa để mọi người cùng biết đến làng nghề và sản phẩm nước mắm Nam Ô, anh Bùi Thanh Phú (40 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã sáng tạo ra món cà phê mắm Nam Ô độc đáo.

Cà phê mắm được pha tạo từ cà phê rang xay, bên trên phủ một lớp kem béo. Điểm đặc biệt của thức uống này chính là phần bột mắm rắc lên trên lớp kem béo được cô đặc từ nước mắm nhĩ Nam Ô - nước mắm truyền thống được ủ từ cá cơm than của làng chài Nam Ô.

"Điểm nổi bật của cà phê mắm chính là phần bột mắm. Cách chế biến bột mắm rất đơn giản, chỉ cần cô đặc nước mắm nhĩ Nam Ô ở lửa vừa, khi mắm khô lại thành dạng bột là có thể dùng để rắc lên cà phê", anh Phú chia sẻ.

Được chế biến từ những nguyên liệu tưởng chừng như không liên quan, thức uống này mang đến hương vị đặc biệt, kích thích vị giác khi vừa mang vị đắng của cà phê, béo ngậy của lớp kem hòa cùng hương thơm dịu nhẹ, mằn mặn của bột mắm.

Độc lạ cà phê mắm Nam Ô - Ảnh 2.

Cà phê mắm Nam Ô được biến tấu để tiếp cận gần hơn với nhiều nhóm khách hàng, đồng thời quảng bá làng nghề nước mắm Nam Ô đến với du khách - Ảnh: THANH THÙY

Ý tưởng sáng tạo cà phê mắm xuất phát từ việc cơ sở sản xuất của gia đình anh Phú thường xuyên cung cấp nước mắm cho các đơn vị sản xuất cà phê để làm dịu đi vị đắng, chát của cà phê.

Từ đó, anh Phú nung nấu ý tưởng sáng tạo ra thức uống mới gắn liền với sản phẩm truyền thống của quê hương mình. Từ giai đoạn thai nghén đến khi cho ra ly cà phê mắm hoàn thiện, anh và những cộng sự mất hơn sáu tháng.

"Các xưởng cà phê sử dụng nước mắm nhĩ Nam Ô của tôi để làm dịu vị đắng, chát. Tôi nghĩ tại sao không sử dụng bột mắm để làm cân bằng vị, vì nguyên tắc, mắm có vị mặn dịu, cân bằng được vị chua, chát của cà phê tốt hơn các nguyên liệu khác.

Từ đó tôi và các bạn khác mày mò, tạo ra cà phê mắm. Đây cũng là cách chúng tôi tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng khác nhau, thu hút và giúp khách du lịch hiểu rõ hơn về nước mắm của làng nghề Nam Ô", anh Phú chia sẻ.

Độc lạ cà phê mắm Nam Ô - Ảnh 3.

Sự kết hợp độc đáo giữa cà phê, kem kéo cùng bột mắm đã tạo nên hương vị mới lạ cho món cà phê mắm Nam Ô - Ảnh: THANH THÙY

Cà phê mắm Nam Ô được anh Bùi Thanh Phú mang đi tham gia ở nhiều sự kiện tại TP Đà Nẵng. Thức uống độc đáo này được mọi người nhiệt tình đón nhận, đặc biệt nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú trước hương vị mới lạ của cà phê mắm.

Cà phê mắm mang hương vị đằm thắm, dịu nhẹ của nước mắm nhĩ Nam Ô. Đó không chỉ là một thức uống mà còn chất chứa bao tình yêu, tâm huyết của những người con nặng lòng với làng nghề truyền thống của quê hương.

Độc lạ cà phê mắm Nam Ô - Ảnh 4.Độc lạ ‘quán cà phê quan tài’ để khách hàng suy ngẫm về sự sống

Nhà tang lễ lâu đời ở Nhật Bản mở dịch vụ “cà phê quan tài” độc lạ, thu hút giới trẻ đổ xô đến “nằm” trải nghiệm.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

Bắt tạm giam nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 06/12/2024 13:31

Bắt tạm giam cựu chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang

Liên quan vụ khai thác cát trái phép quy mô lớn, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam cựu chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang.

Bắt tạm giam nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bảo Trung bị bắt tạm giam do liên quan vụ án khai thác cát trái phép - Ảnh: CTV

Ngày 6-12, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Bảo Trung (50 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) - trưởng Ban quản lý khu kinh tế, cựu chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang.

Ông Trung bị bắt để điều tra tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, điều 356 Bộ luật Hình sự. 

Các lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Ông Trung bị khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác và điều chỉnh giấy phép khai thác trái quy định pháp luật tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ông Trung bị khởi tố trong quá trình C03 điều tra vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. 

Đây là đường dây khai thác cát trái phép lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay bị công an điều tra.

Tháng 10-2024, ông Nguyễn Bảo Trung - bí thư Đảng ủy, trưởng Ban quản lý khu kinh tế, nguyên ủy viên Ban Cán sự Đảng, ông cũng từng là bí thư Đảng ủy, chánh Văn phòng UBND tỉnh, đảng ủy viên, phó giám đốc Sở Xây dựng - đã bị Tỉnh ủy An Giang kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Ông Trung được xác định chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. 

Trên cương vị đảng ủy viên, phó giám đốc Sở Xây dựng, ông Trung chịu trách nhiệm trong việc ký văn bản cấp phép khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật.

Ông đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Bắt tạm giam nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang - Ảnh 2.Bắt chủ tịch tỉnh An Giang liên quan đường dây khai thác cát lậu lớn nhất tỉnh

Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch tỉnh An Giang, bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan đường dây khai thác cát lậu lớn nhất địa phương này.

Thất bại của ông Macron

 Thế giới

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 06/12/2024 09:45

Thất bại của ông Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phải tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển nước này sau khi Thủ tướng Michel Barnier không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thất bại của ông Macron - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron - Ảnh: AFP

Thủ tướng Michel Barnier đã đệ đơn từ chức vào sáng 5-12 (giờ Pháp), chỉ một ngày sau khi chính phủ của ông bị lật đổ bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm - sự kiện chưa từng xảy ra trong hơn sáu thập niên qua. 

Sự kiện này đẩy nước Pháp vào giai đoạn bất ổn chính trị mới, giữa lúc nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức.

Chính phủ 3 tháng

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ hôm nay bắt đầu từ thế bế tắc chính trị khi vào mùa hè, Tổng thống Macron đã giải tán quốc hội để bầu lại. Nhưng sau cuộc bầu cử, không đảng nào giành được đa số ghế. Tình trạng này buộc chính phủ phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng đối lập, đặc biệt là phe cực hữu của bà Marine Le Pen, để duy trì quyền lực.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe cánh tả khởi xướng nhằm phản đối kế hoạch ngân sách thắt lưng buộc bụng cho năm tới. Trước đó Thủ tướng Barnier đã dùng quyền đặc biệt để thông qua dự luật tài trợ an sinh xã hội mà không cần quốc hội phê chuẩn, gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội.

Với sự ủng hộ quan trọng từ đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen, 331 trong tổng số 577 nghị sĩ quốc hội đã bỏ phiếu bãi nhiệm chính phủ. 

Đây là lần đầu tiên một Chính phủ Pháp bị lật đổ bởi bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962, khi chính phủ của Thủ tướng Georges Pompidou thất bại dưới thời tổng thống Charles de Gaulle. Chính phủ của ông Barnier cũng lập kỷ lục ngắn nhất trong lịch sử nền Đệ ngũ cộng hòa: chỉ tồn tại vỏn vẹn ba tháng.

Ông Barnier là thủ tướng thứ năm dưới thời Tổng thống Macron (nhậm chức năm 2017), với thời gian tại vị của mỗi thủ tướng ngày càng ngắn. Người kế nhiệm ông Barnier có thể đối mặt với nhiệm kỳ còn ngắn hơn. Theo nhiều nguồn tin từ AFP, Tổng thống Macron buộc phải bổ nhiệm thủ tướng mới trong vòng 24 giờ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Áp lực với ông Macron

Trước tình thế này, Tổng thống Macron đối mặt với thách thức lớn trong việc chọn người thay thế khi nhiệm kỳ của ông còn hơn hai năm. Một số đối thủ chính trị thậm chí kêu gọi ông từ chức. 

Phe đối lập không bỏ lỡ cơ hội để gây áp lực lên tổng thống. Bà Mathilde Panot, lãnh đạo phe cánh tả cấp tiến, kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị leo thang. 

"Chúng tôi kêu gọi ông Macron từ chức", bà tuyên bố. Trong khi đó bà Marine Le Pen khẳng định rằng sau khi thủ tướng mới được bổ nhiệm, đảng của bà sẽ "cho họ cơ hội làm việc" và hợp tác để xây dựng một ngân sách "đáp ứng lợi ích của tất cả mọi người".

Dù vậy số ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng mới hiện rất hạn chế. Các ứng cử viên nổi bật bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu và đồng minh trung dung của ông Macron, ông Francois Bayrou. Về phía cánh tả, cựu Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve là một ứng viên được cân nhắc.

Không chỉ đối mặt với áp lực chính trị, ông Macron còn phải đối phó với bất ổn kinh tế và làn sóng đình công trong khu vực công. Các công đoàn đã kêu gọi giáo viên, nhân viên kiểm soát không lưu và nhiều công chức khác đình công vào ngày 5-12 nhằm phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu.

Bà Le Pen đã chỉ trích ngân sách của ông Barnier là "bất công sâu sắc" đối với người dân Pháp. Ngân sách này bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỉ euro và tăng thuế, nhằm đối phó với mức thâm hụt hằng năm của Pháp dự kiến đạt 6,1% GDP, gấp đôi giới hạn của EU. 

Theo giới phân tích, bà Le Pen không chỉ nhắm vào ông Barnier mà còn nhằm vào ông Macron, người đã đánh bại bà trong hai kỳ bầu cử tổng thống. Bà Le Pen cùng các đồng minh đã nhiều lần kêu gọi tổng thống từ chức, cáo buộc ông là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn hiện tại.

Nhật báo Le Monde cho rằng động thái ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm của bà Le Pen có thể gây bất lợi cho chính bà, khi làm mất lòng các nhóm ủng hộ truyền thống như người về hưu và giới doanh nghiệp. Tờ Libération, một tờ báo cánh tả, đã gọi diễn biến hiện tại là "thất bại của Macron" trên trang nhất.

"Ông Macron đã mất hết tính chính danh" - ông Gérard Grunberg, nhà khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po), nhận xét. Tuy nhiên ông Macron vẫn kiên định với nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2027 và bác bỏ khả năng từ chức.

Khủng hoảng chính trị tại Pháp không chỉ thử thách năng lực lãnh đạo của Tổng thống Macron mà còn phản ánh sự phân cực sâu sắc trong xã hội. Sự sụp đổ của chính phủ khiến tương lai chính trị của Pháp trở nên bất định hơn bao giờ hết, trong khi các thách thức kinh tế và xã hội tiếp tục đè nặng lên đất nước.

Thất bại của ông Macron - Ảnh 2.Tin tức thế giới 5-12: Chính phủ Pháp sụp đổ, Tổng thống Macron bị kêu gọi từ chức

Chính phủ Pháp bị Quốc hội bất tín nhiệm; Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn; Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 5-12.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024

Mong Hàn Quốc sớm 'trời quang mây tạnh'

 Thế giới

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 05/12/2024 10:03

Mong Hàn Quốc sớm 'trời quang mây tạnh'

Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân tránh xa các khu vực biểu tình tại Hàn Quốc, trong khi một số công ty lớn như Naver Corp khuyên nhân viên làm việc tại nhà.

Mong Hàn Quốc sớm 'trời quang mây tạnh' - Ảnh 1.

Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 4-12 - Ảnh: AFP

Hôm 4-12-24, các đảng đối lập Hàn Quốc đã trình kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông ban bố lệnh thiết quân luật và gỡ bỏ 6 giờ sau đó, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun đã nộp đơn từ chức, chịu trách nhiệm trước tình trạng hỗn loạn do lệnh thiết quân luật tạm thời của Tổng thống Yoon Suk Yeol, cũng là đồng minh thân thiết của ông, gây ra.

Lệnh thiết quân luật bất ngờ của ông Yoon vào khuya 3-12 đã gây bế tắc tại Quốc hội trong vài giờ, nhưng các nghị sĩ đã nhanh chóng bác bỏ nỗ lực cấm hoạt động chính trị khi binh sĩ vũ trang tiến vào tòa nhà Quốc hội ở Seoul.

Sức ép từ chức

Mong Hàn Quốc sớm 'trời quang mây tạnh' - Ảnh 2.

Nguồn: Al Jazeera - Dữ liệu: Kim Thoa

Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon - cựu công tố viên nổi tiếng và chính trị gia bảo thủ đắc cử năm 2022 - đang bất định.

Đảng Dân chủ (DP) và 5 đảng đối lập khác đã kêu gọi ông từ chức nếu không muốn bị luận tội. Kiến nghị luận tội đã được trình lên Quốc hội và cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 6 hoặc 7-12.

"Chúng tôi không thể phớt lờ lệnh thiết quân luật bất hợp pháp này. Chúng tôi không thể để nền dân chủ sụp đổ", nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập Kim Yong Min nói trước báo giới.

Quốc hội Hàn Quốc có thể luận tội tổng thống nếu hơn 2/3 số nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, sau đó Tòa án Hiến pháp sẽ xét xử.

Hiện tại Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon chỉ có 108 ghế trong tổng số 300 ghế Quốc hội. Sau thất bại trong cuộc bầu cử tháng 4 năm nay, PPP không giành được quyền kiểm soát trước các đảng đối lập, vốn chiếm gần 2/3 số ghế.

Nếu ông Yoon từ chức hoặc bị cách chức, Thủ tướng Han Duck Soo sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cho đến khi cuộc bầu cử mới diễn ra trong vòng 60 ngày.

"Tổng thống Yoon có thể đã tự bắn vào chân mình" - ông Danny Russel, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách xã hội châu Á tại Mỹ, bình luận về việc ông Yoon ban bố thiết quân luật đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ năm 1980.

Sự chia rẽ sâu sắc cũng diễn ra bên trong PPP, khi lãnh đạo đảng này kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun và toàn bộ nội các. Bộ Quốc phòng xác nhận ông Kim đã nộp đơn từ chức.

Trong bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình vào khuya 3-12, Tổng thống Yoon lập luận lệnh thiết quân luật là cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc khỏi các lực lượng chống phá nhà nước và thân Triều Tiên, cũng như để bảo vệ trật tự hiến pháp tự do, nhưng ông không nêu cụ thể mối đe dọa là gì.

Các nghị sĩ Hàn Quốc đã bất chấp thiết quân luật, vượt qua hàng rào an ninh để tổ chức phiên họp khẩn cấp. Chỉ vài giờ sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật, Quốc hội, với sự tham gia của 190/300 nghị sĩ, trong đó có 18 thành viên từ đảng của ông Yoon, đã nhất trí thông qua kiến nghị hủy bỏ lệnh này.

Kết quả, Tổng thống Yoon buộc phải dỡ bỏ thiết quân luật khoảng 6 giờ sau khi ban hành. Những người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội reo hò và vỗ tay mừng rỡ, hô vang: "Chúng ta đã chiến thắng!".

Seoul đã ổn định lại

Cảnh hỗn loạn xảy ra khi quân đội Hàn Quốc cố gắng giành quyền kiểm soát tòa nhà Quốc hội vào cuối ngày 3-12 và đầu ngày 4-12 sau khi thiết quân luật được ban bố. Hơn 280 binh sĩ, được yểm trợ bởi 24 trực thăng, đã tiến hành phong tỏa khu vực này.

Nhân viên Quốc hội dùng ghế chặn cửa để ngăn binh sĩ xông vào tòa nhà, trong khi người biểu tình ủng hộ phe đối lập xô xát với cảnh sát bên ngoài. Quân đội tuyên bố cấm mọi hoạt động của Quốc hội và các đảng phái chính trị, đồng thời đặt các phương tiện truyền thông dưới sự kiểm soát của thiết quân luật.

Mặc dù sự kiện kịch tính xảy ra vào cuối ngày 3-12, thủ đô Seoul vẫn đã trở lại nhịp sống bình thường vào sáng 4-12. Theo Reuters, lưu lượng xe cộ và hành khách trên các chuyến tàu giờ cao điểm tại thành phố hơn 9 triệu dân này không có nhiều thay đổi.

Ngày 4-12, người Hàn Quốc vẫn đến công sở và trường học như thường lệ. Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình chính trị căng thẳng đêm trước đã ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình có thể tiếp tục diễn ra trong lúc một số người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc đã lên kế hoạch tổ chức biểu tình tại Seoul và tuyên bố đình công cho đến khi ông Yoon từ chức.

Một chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn tại Hàn Quốc cho biết doanh số bán thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền và nước đóng chai đã tăng mạnh trong đêm.

"Tôi rất lo lắng về tình hình hiện tại và tương lai của đất nước" - Kim Byeong-In, 39 tuổi, cư dân Seoul, chia sẻ. Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân của họ tránh xa các khu vực biểu tình tại Hàn Quốc, trong khi một số công ty lớn như Naver Corp đã khuyên nhân viên làm việc tại nhà.

Hàn Quốc khẩn trương ổn định thị trường tài chính

Ngày 4-12, Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo sẵn sàng bơm thanh khoản "không giới hạn" vào thị trường tài chính để ổn định tình hình sau khi đồng won giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, với 1.442 won đổi 1 USD, do ảnh hưởng từ biến động chính trị.

Thông báo được đưa ra sau các cuộc họp khẩn cấp qua đêm của Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok, Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang Yong và lãnh đạo ngân hàng trung ương để phê duyệt biện pháp hỗ trợ thị trường tài chính.

Sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ, các thị trường tài chính có dấu hiệu cải thiện trong ngày 4-12, nhưng các nhà đầu tư vẫn cảnh giác về sự ổn định chính trị lâu dài ở Hàn Quốc.

"Các thị trường tài chính, từ ngoại hối đến chứng khoán, sẽ hoạt động bình thường. Chúng tôi sẽ bơm thanh khoản không giới hạn vào cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ ngắn hạn và ngoại hối cho đến khi thị trường ổn định hoàn toàn", Chính phủ Hàn Quốc thông báo.

Theo Yonhap, cơ quan quản lý tài chính sẵn sàng triển khai 10.000 tỉ won (7,07 tỉ USD) vào quỹ ổn định thị trường chứng khoán bất cứ lúc nào.

Các nước theo dõi

Nhiều quốc gia đã lên tiếng trước diễn biến tại Hàn Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng đây là "vấn đề nội bộ" của Hàn Quốc. Nga bày tỏ sự quan ngại và cho biết đang theo dõi tình hình.

Mỹ khẳng định không được thông báo trước về kế hoạch ban bố thiết quân luật, nhưng hoan nghênh quyết định dỡ bỏ của Tổng thống Yoon. "Chúng tôi mong các bất đồng chính trị được giải quyết hòa bình và theo đúng pháp luật", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ.

Tổng thư ký NATO, Mark Rutte, cho biết liên minh quân sự này đang theo dõi sát tình hình ở Hàn Quốc và khẳng định mối quan hệ với Seoul "vẫn vững chắc".

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển đã hoãn chuyến thăm Hàn Quốc, và nhóm nghị sĩ Nhật Bản chuyên về các vấn đề Hàn Quốc hủy chuyến đi đến Seoul dự kiến vào giữa tháng 12.

Mong Hàn Quốc sớm 'trời quang mây tạnh' - Ảnh 2.Người dân Hàn Quốc đồng loạt thắp nến biểu tình yêu cầu Tổng thống Yoon từ chức

-24Tối 4-12, người dân Hàn Quốc đổ xô về khu vực trung tâm các đô thị lớn trên khắp nước này để thắp nến biểu tình yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức.

Đừng làm thị trường nhà đất xấu xí thêm

 Thời sự Bình luận

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 05/12/2024 10:01

Đừng làm thị trường nhà đất xấu xí thêm

Đấu giá là một phương thức tiên tiến của kinh tế thị trường, với đấu giá đất là phương thức phân phối đất đai đặc biệt của Nhà nước nhưng gần đây đã bị biến thành trò đùa.

Đừng làm thị trường nhà đất xấu xí thêm - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội - Ảnh: UBND huyện Sóc Sơn cung cấp

Mọi người hết đi từ sửng sốt này đến sửng sốt khác, tức sử dụng các phiên đấu giá đất để tung hứng, thổi giá, để "đấu mà như không đấu", đấu theo ý mình… ngày càng táo tợn, trắng trợn.

Các phiên đấu giá này như những vết nhơ, càng khiến cho thị trường bất động sản vốn tai tiếng nay thêm xấu xí.

Vụ việc người đấu giá bỏ giá 30 tỉ đồng/m² đất nông thôn ở ngoại thành Hà Nội rồi thản nhiên bỏ cọc diễn ra theo kịch bản quá quen thuộc: bỏ giá cao ngất ngưởng - bỏ cọc - cuộc đấu giá bất thành.

Dư luận vẫn không quên cuộc đấu giá ở Thủ Thiêm (TP.HCM) vào năm 2021 với giá 2,4 tỉ đồng/m² nhưng sau đó các doanh nghiệp đều đồng loạt bỏ cọc, có doanh nghiệp vướng vòng lao lý và đến nay các lô đất này vẫn còn nằm trong "kế hoạch đấu giá", gây ra sự lãng phí đất đai.

Hệ lụy của những cuộc đấu giá bất thành này là giá tham chiếu từ cuộc đấu giá sẽ làm nhà đất ở khu vực lân cận nổi lên những cơn sốt ảo dù thị trường đang trong giai đoạn đóng băng.

Thậm chí Nhà nước giải phóng mặt bằng để phát triển hạ tầng cũng đau đầu khi đền bù đất đai phải sát giá thị trường.

Do đó, bên cạnh vá lại những lỗ hổng thông qua Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực từ 1-1-2025) và các quy định hướng dẫn thi hành, cần tiếp tục mạnh tay xử lý hình sự bất kỳ ai vi phạm các quy định về đấu giá, đặc biệt là hành vi có tổ chức.

Nhưng thổi giá qua các cuộc đấu giá chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong số hàng loạt chiêu trò đang được người bán nhà đất tung đòn trong thời gian gần đây để thổi giá.

Điều này cho thấy còn rất lâu, và chưa biết khi nào, thị trường bất động sản mới có được sự minh bạch, dù chúng ta đã nói nhiều, nhắc nhiều, quyết tâm nhiều từ hàng chục năm qua.

Các kịch bản, chiêu trò tung giá, thổi giá ngày càng tinh vi, lộ liễu, thậm chí trắng trợn. Thậm chí ngay người môi giới nhà đất cũng rơi vào cơn sốt ảo khi chủ đầu tư tự biên tự diễn thành những nhóm khách săn lùng dự án, khiến các môi giới lầm tưởng nhu cầu thực thị trường đang lên cao.

Hay như chiêu tung số lượng căn hộ nhỏ giọt, nhận booking (giữ chỗ) rồi hét số lượng khách mua lớn để người mua giành giật bốc thăm nhận mã căn tạo sóng.

Dạo gần đây, những công ty địa ốc bất lương lại rầm rộ chiêu trò quăng thông tin bán nhà đất giá rẻ tại TP.HCM lên mạng hoặc gọi điện mời khách đến dự lễ tri ân.

Sau đó, doanh nghiệp tìm kiếm những con mồi béo bở để dụ về các tỉnh mua đất mập mờ pháp lý dù những vụ tương tự đã bị công an xử lý.

Hay có nhiều doanh nghiệp địa ốc nhận tiền của khách hàng nhiều năm nhưng khi hoàn thiện pháp lý thì lại "lật kèo", trả lại tiền để bán với giá mới cao hơn hoặc chây ì không xây dựng…

Có thể giới kinh doanh bất động sản dùng chiêu trò này để tự cứu mình, để trụ lại, nhưng xem ra họ đang đào hố chôn mình. Người dân mất lòng tin, thị trường khó lòng phục hồi.

Thị trường nhà đất vẫn đang dò dẫm tìm lối ra. Nhưng người cứu thị trường là các khách hàng chân chính lại đang rất sợ chiêu trò, sợ không minh bạch, sợ lừa lọc, sợ lật kèo, sợ mua hớ giá.

Điều này khiến cho thị trường địa ốc luẩn quẩn trong nghịch lý sốt giá nhưng giao dịch ảm đạm trong khi giới đầu tư, đầu cơ chiếm lĩnh thị trường.

Đừng dùng chiêu trò để tự đào hố chôn mình. Chỉ có lòng tin, minh bạch mới có thể thuyết phục khách hàng xuống tiền tiêu thụ nhà đất đang đóng băng. Phải khơi thông thị trường từ lòng tin, đừng từ chiêu trò.

Đừng làm thị trường nhà đất xấu xí thêm - Ảnh 3.Trúng đấu giá 'đất vàng' nhưng chưa được giao đất

Ngày 12-11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu rà soát các quy định liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá nhà đất số 4 Hồ Tùng Mậu (phường 10, TP Đà Lạt).