Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

Sức hấp dẫn mạnh mẽ của “Bệnh nhân người Anh”

dvnien copy từ https://hanoimoi.vn/..., trang web này đăng ngày 24/02/2010 17:25

Sức hấp dẫn mạnh mẽ của “Bệnh nhân người Anh”

(HNMO) - “Bệnh nhân người Anh” là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của tác giả Michael Ondaatje. Đó là một cuộc hành trình của các số phận, của tình yêu và sự mất mát xảy ra vào thời cuối của Thế chiến II ở Italia. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và giành được 11 giải Oscar 11, giành Giải Quả cầu vàng và giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997.


Giá vàng hôm nay-Ảnh 1

Bìa sách Bệnh nhân người Anh

Câu chuyện có sức hấp dẫn mạnh mẽ

Ở Italy những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ II, một chiếc máy bay bị bắn hạ và rơi xuống khu vực sa mạc Sahara. Trong chiếc máy bay là một người phụ nữ đã chết và một người đàn ông bị đốt cháy nghiêm trọng. Anh ta được gọi là bệnh nhân người Anh và được chuyển cho y tá Hana chăm sóc tại một biệt thự Ý bị hủy hoại. Tại nơi bỏ hoang đó, bên cạnh mối tình hiện thực đẹp nhưng buồn của nữ y tá Hana với chàng trung sỹ phá mìn Kíp là mối tình buồn quá khứ thông qua quyển nhật ký của Bệnh nhân người Anh - Laszlo de Almasy với cô gái Katharine Clifton.

Sau tai nạn máy bay, bệnh nhân người Anh không nhớ được một chút gì về mình cũng như tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng qua một loạt các cảnh hồi tưởng, người đọc dần dần biết được về quá khứ của anh. Bệnh nhân này thực ra không phải là người Anh mà là một người Hungary tên là Laszlo de Almasy - một phi công làm việc ở Hiệp hội Địa lý hoàng gia của Ai Cập trước chiến tranh.

Almasy gặp Katharine Clifton khi cô theo chồng là Goeffrey - nhân viên tình báo của Anh có nhiệm vụ làm một tấm bản đồ phục vụ nghiên cứu và là tư liệu cho quân đội Anh trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Và tình yêu đã đến với họ một cách đường đột và say đắm. Tuy nhiên, Goeffrey biết chuyện tình của Almasy và vợ, đã âm mưu giết vợ, tình địch và tự tử. Nhưng kế hoạch của anh ta đã không thực hiện được mà chính anh ta vong mạng, và Katherine bị thương nặng. Và sự đấu tranh sinh tồn của Almasy vàKatharine Clifton nơi vùng sa mạc mà chiếc máy bay rơi xuống trở thành một chuỗi các câu chuyện lãng mạn…

Hana -một y tá người Canada-Pháp đã chăm sóc “bệnh nhân người Anh” một cách dịu dàng và rất đỗi ân cần, dường như anh làm cô nhớ tới người đàn ông cô yêu và đã mất đi trong chiến tranh. Cô luôn đau khổ trong tâm trạng: “Tôi là một tai họa, bất cứ ai yêu tôi, gần gũi với tôi đều bị chết”. Suốt cuộc chiến, với những bệnh nhân trong tình trạng tệ nhất, cô tồn tại được bằng cách ẩn giấu một sự lạnh lùng trong vai trò y tá. “Mình sẽ tồn tại. Mình sẽ không sụp đổ vì chuyện này”. Đây là những câu chôn vùi trong suốt cuộc chiến của cô.

Kip - một trong hai người chuyên gia phá mìn quan sát sự dịu dàng ân cần của Hana và đem lòng yêu cô. Nhưng vì anh làm công việc vô cùng nguy hiểm, mà Hana luôn coi mình là người mang lại bất hạnh cho người khác, vì vậy cô lo rằng nếu hai người yêu nhau thì anh sẽ chết. Vì vậy họ yêu nhau chỉ biết ngày hôm nay, không dám nghĩ đến ngày mai.

David Caravaggio - bạn của bố của Hana vốn là tay móc túi chuyên nghiệp và nhờ tài này David được kết nạp vào hàng ngũ gián điệp của Anh với nhiệm vụ ăn trộm tài liệu của Đức. Vì có người phản bội, tung tích của David bị tiết lộ. Ông bị quân đội Đức tra khảo đến độ cắt mất hai ngón tay cái của ông. David truy tìm những kẻ phản bội này và đã giết vài người để trả thù. Còn một người David vẫn còn ráo riết truy lùng đó chính là “Bệnh nhân người Anh”…

Tuy nhiên, sau khi nghe Almasy kể lại vì sao ông ta phản bội, Caravaggio quyết định không giết Almasy, một phần Almasy đã gần đất xa trời, một phần có lẽ vì thấy Almasy đã bị đau đớn dày vò trong nhiều năm. Tình yêu của Kip và Hanah kết thúc khi nghe tin Đồng minh thả bom nguyên tử trên đất hai thành phố lớn của Nhật. Kíp nhận thấy sự vô nghĩa của mình sau khi anh đã cố gắng hội nhập vào thế giới của người da trắng. Còn "Bệnh nhân người Anh" đã tìm đến cái chết để giải thoát cho mình cũng như tìm về với người con gái mang tên Katharine …Một cái chết đúng nghĩa, không nuối tiếc và thấy mất mát...

Câu chuyện tình yêu luôn là đề tài muôn thủơ có sức hấp dẫn mãnh liệt với con người. Khai thác trên nền đề tài chưa bao giờ là cũ với mọi thế hệ này, tác giả đã để cho những hồi ức, những mâu thuẫn nội tại cũng như khát khao của nhân vật tự chi phối toàn bộ tâm trí của người đọc. Khi những tầng bậc các bí ẩn được hé mở, thì cũng là lúc người ta phát hiện ra một tình yêu lặng lẽ nhưng có sức sống bền bỉ vẫn đang tồn tại mạnh mẽ lắm trong thế giới này.

Từ tiểu thuyết đến tác phẩm điện ảnh kinh điển

“Bệnh nhân người Anh” là cuốn tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng và được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ khác nhau, nhưng có lẽ bản dịch tốt nhất là khi nó trở thành một bộ phim vào năm 1996, một bộ phim kinh điển của đạo diễn Anthony Minghella.

Trước đó đạo diễn Anthony Minghella hoàn toàn bị mất phương hướng khi đọc cuốn tiểu thuyết, ông đã gọi điện cho Saul Zaentz để cuốn Saul vào dự án này. Nhà sản xuất phim Saul Zaentz là người rất tâm huyết với kịch bản phim. Ông đã nghiên cứu độc lập bằng cách thu thập các tác phẩm văn học nổi tiếng làm tư liệu cho bộ phim như One Flew Over the Cuckoo’s Nest, Amadeus, The Unbearable Lightness of Being và At Play in the Fields of the Lord. Ông đã thành công trong việc gây sự chú ý của người xem bằng câu chuyện bí ẩn ngay từ đầu, sau đó bắt người xem phải động não về những gì họ đã thấy và tự khám phá ý nghĩa đích thực của câu chuyện.

Ban đầu hãng 20th Century Fox đồng ý tài trợ cho bộ phim, nhưng tranh luận đã nổ ra giữa các nhà sản xuất và quay phim về diễn viên chính của phim. Hãng Fox muốn nữ diễn viên đóng vai Katharine Clifton phải là người nổi tiếng như Demi Moore chứ không phải Kristin Scott Thomas nhưng các nhà sản xuất không đồng ý, kết cục Fox từ chối khi phim đã bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên sau vài tuần khi đoàn làm phim ở Italy mà không biết chắc chắn phim có tiếp tục được tiến hành hay không thì hãng Miramax quyết định “ra tay” thực hiện bộ phim này. Bộ phim giành được 11 giải Oscar 11, giành Giải Quả cầu vàng và giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997.

Phiên bản tiếng Việt của “Bệnh nhân người Anh” do dịch giả Hồ Như dịch, và được NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt xuất bản và phát hành trong tháng 2/2010.

Ghi thêm của dvnien: Khoảng 15 giờ chiều ngày thứ Bảy 23/11/2024,kênh Cinemax chiếu phim The English Patient - Bệnh nhân người Anh.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 2: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 21/11/2024 10:45

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 2: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ

ĐAN THUẦNvà 1 tác giả khác 

Tự do đối với nhiều người không chỉ là việc thoát khỏi lao tù, thứ mà họ khao khát là tìm lại thân phận pháp lý thực sự của mình, là kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng về việc họ có phạm tội hay không khi thân phận bị can kéo dài mãi.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 2: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Phước sau 25 năm mang phận bị can - Ảnh: TUYẾT MAI

Ông Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, quê Kiên Giang) là một trường hợp như vậy. Năm 1999, ông bị cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang khởi tố, truy tố, xét xử về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, bản án sơ thẩm kết tội ông Phước bị tòa cấp trên hủy, ông được trả tự do song thân phận pháp lý của ông bị "lãng quên" cho đến nay.

Từ chuyện trẻ con trở thành án mạng của người lớn

Cuối tháng 7 vừa qua, phóng viên Tuổi Trẻ tìm về Kiên Giang gặp ông Nguyễn Hồng Phước để lắng nghe từ chính ông về câu chuyện nhiều năm trời "gõ cửa" cùng khắp các cơ quan, ban ngành với mong muốn được khôi phục quyền của một công dân.

Hồ sơ thể hiện vào lúc 18h ngày 13-6-1999, ông Đặng Giải Phóng (con rể ông Phước) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Bích Thủy đang ở nhà thì bà Hồng (em bà Thủy, 11 tuổi) khóc lóc chạy về nhà kể là bị hai chị em Tuyền (17 tuổi) - Đen (13 tuổi, cùng là con ông Nguyễn Văn Thu) đánh.

Nghe em gái bị đánh, bà Thủy đi đến nhà ông Thu (cách 30m) để hỏi chuyện. Khi vừa ngang nhà ông Thu thì bà Thủy gặp Tuyền và xảy ra cãi vã dẫn đến đánh nhau. Lúc này ông Thu từ trong nhà chạy ra can ngăn con mình.

Cơ quan điều tra quy kết thời điểm này, ông Phước (cha bà Thủy) chạy đến và đá vào người ông Thu, làm ông Thu lăn nhiều vòng vào cột cờ trước nhà làm gãy cột cờ. Ông Thu bỏ chạy vào nhà thì bị ông Phóng đá vào xương sườn làm ông Thu ngất xỉu.

Mâu thuẫn của trẻ con phút chốc biến thành án mạng khi tới 20h cùng ngày gia đình ông Thu thấy ông có biểu hiện bất thường nên đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông Thu tử vong trên đường đi.

Theo kết luận giám định pháp y, ông Thu chết vì xuất huyết nội do vỡ lách ở người xơ gan.

Ngày 6-12-1999, TAND tỉnh Kiên Giang xử phạt ông Phước 16 năm tù, phạt ông Phóng 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Ông Phước kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không tham gia vào cuộc ẩu đả vì ông Phước biết ông Thu bị xơ gan nặng, yếu ớt. Hơn nữa, ông Phước bị sái khớp xương đùi, chân trái ngắn hơn chân phải (có biên bản giám định khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa) nên không thể đá ông Thu té lăn làm ngã cột cờ như cáo buộc. Cũng sau phiên tòa sơ thẩm, ba người ở cùng xóm đã gửi đơn đến tòa phúc thẩm cho rằng ông Phước bị oan và từng xin được ra trước tòa để làm chứng.

Ngày 21-7-2000, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm, cho rằng việc tòa sơ thẩm đã căn cứ vào những lời khai có mâu thuẫn, trong khi những người làm chứng khác khai chỉ có ông Phóng chứ không thấy ông Phước đá ông Thu. Đồng thời tòa phúc thẩm cho rằng có nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, việc quy kết ông Phước phạm tội là chưa đầy đủ nên quyết định hủy một phần bản án sơ thẩm nội dung đã xét xử đối với ông Phước để điều tra lại.

Đến ngày 11-9-2001 (hơn hai năm sau khi bị bắt tạm giam), TAND tỉnh Kiên Giang ra quyết định trả lại tự do cho ông Phước, chờ điều tra và xét xử lại. Sau đó hai tháng, ông Phước có đơn gửi Viện KSND tỉnh Kiên Giang đề nghị dựng lại hiện trường để làm rõ vụ án. Tuy nhiên cho đến tận nay, phía cơ quan điều tra không có bất kỳ một động thái nào cho thấy có thể đi đến giải quyết dứt điểm vụ án.

"Tôi có tội hay không có tội?"

Nhớ lại khoảng thời gian chồng bị bắt tạm giam, đến nay bà Nguyễn Thị Liền (68 tuổi) vẫn còn ám ảnh. Vụ án xảy ra, bà Liền bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình thay chồng, một mình nuôi sáu người con (lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi) và cháu ngoại (con ông Đặng Giải Phóng).

Bà Liền đã phải bán tháo toàn bộ tài sản tích cóp nhiều năm trời để vừa lo tiền mai táng cho nạn nhân, vừa chạy vạy khắp nơi lo cho chồng. Người đàn bà từ nhỏ chỉ quanh quẩn chưa đi đâu xa ra khỏi quê hương mình đã một mình tìm lên TP.HCM để tìm thuê luật sư.

"Chồng tôi ở trong trại nghe người ta giới thiệu luật sư giỏi nên lúc gặp ông kêu tôi đi tìm luật sư đó. Hồi đó đường đi khó khăn lắm, xe cộ cũng không hiện đại như giờ, từ Kiên Giang lên tới TP.HCM phải 9 - 10 tiếng đồng hồ, tôi trước đó ở quê suốt có đi đâu xa đâu nhưng xót chồng quá cũng phải đi.

Làm việc xong thì luật sư thấy tội quá phải lấy xe máy chở ra bến xe vì tối quá sợ nguy hiểm. Vậy mà cũng lên xuống TP.HCM mấy lần.

Đâu chỉ vậy, có lúc phải chầu chực 5-6 tiếng đồng hồ trước nhà ông viện trưởng viện kiểm sát chỉ để gặp được ông mà trình bày câu chuyện", người đàn bà vốn chỉ quen mua gánh bán bưng bỗng trở thành chỗ dựa cho chồng.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 2: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ - Ảnh 2.

Chân trái của ông Phước biến dạng sau khi bị sái khớp - Ảnh: TUYẾT MAI

Sau khi tòa phúc thẩm hủy án, ông Phước được thả nhưng đơn thư đề nghị giải quyết vụ án của ông không có hồi đáp, vợ chồng ông đành gác lại mọi chuyện, tiếp tục cuộc sống mưu sinh.

"Nói thiệt là tận bây giờ gia đình tôi vẫn còn nợ hàng xóm láng giềng, lúc đó tài sản bán đổ bán tháo không được giá, rồi phải nuôi con, nuôi cháu ngoại nên tôi phải mượn khắp nơi để xoay xở. Họ thấy khổ quá nên không đòi, nhưng mình xác định nợ phải trả nên áy náy lắm", bà Liền bộc bạch.

Cũng theo bà Liền, dù không nói ra nhưng chồng bà vẫn mang nỗi phẫn uất trong ánh mắt. Bà kể: "Ông ấy lúc nào cũng buồn rầu, ít nói, trầm tư hơn, mãi cho đến năm 2013, khi xem thời sự trên truyền hình có nội dung nói về đền bù oan sai thì gia đình quyết định phải quyết tâm kêu oan đến nơi đến chốn".

"Từ đầu cãi nhau tôi còn không tham gia, chỉ chứng kiến vụ việc từ xa thì tại sao lại bắt tôi chịu trách nhiệm. Tôi đã mất quá nhiều, mất cả mấy chục năm tự do thật sự.

Con cái tôi một thời gian dài bị dè bỉu cha là tội phạm, mất cơ hội việc làm. Vì vậy tôi muốn cơ quan chức năng cho tôi một câu kết luận cuối cùng là tôi có phạm tội hay không.

Nếu đủ căn cứ buộc tội, tôi sẵn sàng đi tù, còn nếu không thì phải xóa tư cách bị can cho tôi", ông Phước bức xúc.

Mòn mỏi chờ đợi nhưng chưa thấy hồi kết

Trong đơn trả lời ông Phước ngày 17-7-2019 của TAND tỉnh Kiên Giang, đơn vị này cho biết: Sau khi bản án phúc thẩm ngày 21-7-2000 của TAND tối cao tại TP.HCM đã hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang đối với bị cáo Nguyễn Hồng Phước để yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử lại do chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, có vi phạm tố tụng.

Ngày 11-12-2001, tòa án tiếp tục trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung sau hai lần trả hồ sơ. Từ đó đến nay, TAND tỉnh Kiên Giang không nhận được hồ sơ nên không thụ lý, xét xử vụ án của ông Phước.

Trong nhiều đơn thư trả lời sau đó, TAND tỉnh Kiên Giang vẫn giữ nội dung trả lời như trên và cho rằng khiếu nại của ông Phước "không phát sinh vấn đề gì mới nên không có cơ sở xem xét giải quyết lại".

Mới đây, báo Tuổi Trẻ đã gửi công văn, liên hệ qua điện thoại đến Viện KSND tỉnh Kiên Giang nhiều lần nhưng không nhận được hồi đáp.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 2: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ - Ảnh 2.Tuyên y án vụ ông cụ 20 năm ôm đơn kiện khu bảo tồn

TTO - Ngày 28-9, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên y án sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm giữa vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Cựu cán bộ Công an quận 11 dùng nhục hình lãnh 13 năm tù

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 20/11/2024 14:30

Cựu cán bộ Công an quận 11 dùng nhục hình lãnh 13 năm tù

tác giả

Sáng 20-11, TAND TP.HCM xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Thành Đạt (31 tuổi, cựu trung úy Công an quận 11) 13 năm tù về tội dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm để người bị tạm giam trốn.

Cựu cán bộ Công an quận 11 dùng nhục hình lãnh 13 năm tù - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: T.M.

Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Quách Bảo Lâm (40 tuổi) 8 năm 6 tháng tù, Lữ Hoài Thanh (21 tuổi) 7 năm 6 tháng tù về tội dùng nhục hình.

Theo*** nội dung vụ án, ngày 24-2-2022, ông Triệu Quang Bình (sinh năm 1971) tới Công an quận Bình Thạnh đầu thú về tội trộm cắp tài sản nên bị tạm giữ và đưa vào cách ly y tế tại buồng tạm giam B5 nhà tạm giữ Công an quận 11 (theo quy định về phòng chống dịch COVID-19).

Theo phân công, ông Võ Thành Đạt là tổ trưởng trực quản giáo, ca trực từ sáng 26-2-2022 đến sáng hôm sau.

Do ông Triệu Quang Bình có biểu hiện bất thường, quậy phá trong buồng giam nên đêm 26-2-2022, Đạt đã 3 lần tự ý trích xuất các phạm nhân thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ Công an quận 11 ra khỏi buồng giam để hỗ trợ Đạt giải quyết vụ quậy phá ở buồng B5.

Đạt cũng 3 lần tự ý trích xuất ông Triệu Quang Bình ra khỏi buồng giam để nhắc nhở, giáo dục. Trong quá trình nhắc nhở, Đạt, Lâm và Thanh đã đánh đập gây thương tích cho nạn nhân.

Chiều 27-2-2022, qua giám sát hệ thống camera tại buồng D9, cán bộ nhà tạm giữ phát hiện Triệu Quang Bình nằm dưới nền nhà nhưng không thấy người này cử động nên báo chỉ huy để thăm khám cho Bình.

Qua thăm khám, cán bộ y tế thấy Bình có nhịp tim chậm và khó thở nên đưa đi cấp cứu nhưng Bình đã tử vong trên đường đi.

Trong vụ án này, bị cáo Đạt còn bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm để người bị tạm giam trốn.

Theo đó, trong ca trực ngày 30-7-2020, khi phát đồ ăn cho buồng tạm giam A12, Đạt đã dùng xô nhựa có quai xách bằng kim loại (đồ vật cấm đưa vào buồng giam) chứa khẩu phần ăn đưa vào buồng giam và để lại qua đêm.

Phạm nhân Nguyễn Vũ Thái (đang bị tạm giam để điều tra tội tàng trữ trái phép chất ma túy) đã tháo quai xách của xô đựng thức ăn, bẻ thẳng thanh kim loại thành một đoạn dài khoảng 20cm, dùng làm công cụ phá khóa nhà tạm giữ và trốn ra ngoài đêm 30-7-2020.

Thời điểm Thái bỏ trốn, leo lên nóc nhà tạm giữ thì hạ sĩ quan trực chốt gác đang đi vệ sinh và uống nước nên không phát hiện. Sau khi trốn ra ngoài, Thái về thăm vợ ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, rồi đến tỉnh An Giang gây ra hàng loạt vụ trộm.

Ngày 19-8-2020, khi đang trộm tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, Thái bị bắt quả tang.

Sau khi bị bắt, Thái bị tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy và trốn khỏi nơi giam, giữ.

Cựu cán bộ Công an quận 11 dùng nhục hình lãnh - Ảnh 2.Cựu trung úy nhà tạm giữ Công an quận 11 dùng nhục hình sắp hầu tòa

Cựu trung úy công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11, TP.HCM sắp bị xét xử về tội dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm để người bị tạm giam trốn.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can

 Pháp luật

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trng web này đăng ngày 20/11/2024 11:28

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can

tác giả
TUYẾT MAI
và 1 tác giả khác 

Nhiều người phải sống với thân phận bị can hàng chục năm, chịu sự khinh rẻ của hàng xóm láng giềng. Dường như thân phận pháp lý của họ đã đi vào quên lãng.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Ỵ khi trình bày nội dung vụ án - Ảnh: TUYẾT MAI

Đó là trường hợp của ông Đỗ Văn Ỵ (67 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM). Cách đây 43 năm, ông Ỵ đang là một chiến sĩ công an tại đội an ninh chính trị thuộc Công an huyện Thủ Đức.

Bỗng một ngày oan nghiệt, ông bị quy kết là đồng phạm trong một vụ án giết người, cướp tài sản bằng súng, bị bắt tạm giam, truy tố…

Tương lai tươi sáng vụt tắt, cuộc đời của chàng thanh niên trẻ ngày ấy bỗng bị phủ lên một bức màn u ám với thân phận bị can cho đến tận bây giờ.

Viên đạn oan nghiệt và 5 năm bị tạm giam

Kể về ngày đen tối ấy, ông Ỵ cho biết sau giải phóng ông công tác tại Huyện ủy Thủ Đức. Đến năm 1978, ông chuyển đến công tác tại đội an ninh chính trị Công an huyện Thủ Đức. Ông được đơn vị cấp cho một khẩu súng thể thao của Mỹ loại hiếm, theo ông Ỵ thì lúc đó trinh sát ai cũng được cấp súng chứ không riêng ông.

Trước ngày ông bị bắt 6 tháng, ở khu vực Cầu Đen, An Khánh (nay là khu vực đường Trần Não, TP Thủ Đức) xảy ra một vụ cướp tài sản, giết người bằng súng.

Nạn nhân là đôi nam nữ, trong đó người nam đã bị bắn chết, còn người nữ may mắn thoát nạn và trình báo sự việc. Ông Ỵ có nghe mọi người kháo nhau rằng viên đạn gây án là của một loại súng hiếm giống như súng của ông. Nghĩ anh em nói chơi thôi nên ông cũng không quan tâm.

Bẵng đi một thời gian, một người đồng nghiệp tên H. mượn súng của ông để đi công tác. Trên đường đi, ông H. vô tình bị té xe làm cướp cò súng, bị thương ở bụng.

Thấy loại đạn giống như loại đạn trong vụ giết người cướp của xảy ra trước đó nên chỉ huy của ông H. đã tố cáo và đem khẩu súng của ông Ỵ đi giám định. Ngày 22-12-1981, ông Ỵ bị bắt và bị quy kết là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản công dân.

Suốt quá trình điều tra, ông Ỵ một mực kêu oan. Quá trình nhận dạng, nữ nạn nhân cũng phủ nhận ông là hung thủ.

Sau hơn 1 tháng làm việc, người ta tìm được giấy giới thiệu và sổ tay công tác của ông. Sổ tay công tác thể hiện vào ngày xảy ra vụ án giết người cướp tài sản, ông cùng đội trưởng di lý một can phạm (bị bắt vì làm mộc giả) từ huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) về TP.HCM làm việc.

Đến khoảng 18h, ông đưa can phạm về trại giam. Khi bàn giao can phạm, ông có ký nhận. Thế nhưng lời khai cùng những tài liệu này không được xem xét.

Sau đó, ông bị truy tố tội giết người, cướp tài sản công dân và vi phạm các quy định về quản lý vũ khí.

"Tôi không thừa nhận. Hồi bao cấp, súng đạn tùm lum. Khẩu súng này lúc tôi làm trinh sát thu dưới địa bàn xã An Khánh, thấy khẩu súng đẹp tôi có đem qua trình phó quận để xin cho tôi xài. Phó quận cấp giấy đàng hoàng, nhưng khi bị bắt, giấy tờ bị tịch thu hết" - ông Ỵ nói.

Ông Ỵ bị tạm giam tại trại tạm giam Chí Hòa hơn 5 năm, trong đó 2 năm ông bị biệt giam. "Hồi xưa ở tù khổ lắm, 7 ngày không được tắm, gia đình không được thăm nuôi, dân ở ngoài còn không có ăn thì tù tội lấy gì mà ăn.

Gia đình tôi còn động viên nếu lỡ có làm thì nhận tội để còn được giảm án rồi ra nhưng tôi nhất quyết không nhận vì mình không có tội gì hết" - ông kể.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can - Ảnh 2.

Khổ đời cha, liên lụy cả đời con

Năm 1984 vụ án của ông Ỵ được TAND TP.HCM đưa ra xét xử nhưng tạm hoãn mà không có lý do, cũng không có lần mở phiên tòa nào nữa. Mãi đến ngày 5-11-1987, ông bỗng nhận được lệnh tạm tha.

Ông Ỵ từ một chiến sĩ công an trở thành bị can; từ một chàng trai trẻ 25 tuổi đầy nhiệt huyết thành người lầm lì, ít nói, bệnh tật; từ xuất thân trong gia đình cách mạng trở thành đề tài bàn tán, dè bỉu, nghi kỵ của xóm giềng…

Không vợ con, 5 năm thanh xuân oan ức trong trại tạm giam, công việc và danh dự mất hết. Khi được tạm tha, ông Ỵ trở về nhà cha mẹ với nhiều nỗi lo âu.

Trả lời lý do vì sao không khiếu nại sau khi ra tù, ông Ỵ nói rằng những ngày tháng bị biệt giam, lao tù đã lấy hết đi dũng khí của ông. Được tạm tha, được tự do đã là một niềm vui, may mắn lớn lao. Ông chỉ muốn sống nốt cuộc đời còn lại một cách bình dị, yên ắng nhất, dẫu cuộc sống có cơ cực.

Sau khi ra tù, đi xin việc không ai nhận, may có người em mở xưởng cưa nên cho ông Ỵ vào làm bảo vệ. Rồi ông lấy vợ. Vợ ông bán vé số. Hai vợ chồng rau cháo qua ngày với hai mụn con, một trai một gái.

Con gái ông lớn lên xinh xắn. Nhiều đám con nhà gia giáo, công việc ổn định có ý định ngấp nghé làm quen. Nhưng khi thấy lý lịch của ông như vậy, sợ ảnh hưởng nên người ta lại thôi.

"Trước đây nhỏ con gái quen một anh trung úy công an. Nghe nói ông già cũng làm công an mà từng ở tù thì rút lui luôn" - ông Ỵ buồn kể.

Dù con gái ông không hề oán trách, nhưng sâu thẳm trong tâm can người làm cha như ông vẫn áy náy, day dứt vì không thể cho con một lý lịch trong sạch. Điều ấy đã thôi thúc ông bắt đầu cuộc hành trình tìm lại thân phận cho bản thân mình.

"Tôi không oán trách gì, chỉ nghĩ rằng mình gặp chuyện xui rủi thôi. Tôi đã lớn tuổi, bị phổi mãn tính, sức khỏe rất yếu, không biết sống chết ngày nào. Giờ danh dự mình là để cho con cho cái dễ làm ăn…".

Hành trình minh oan mòn mỏi

Vào năm 2021, khi đọc được tin tức một số người được minh oan, xin lỗi, ông Đỗ Văn Ỵ cùng anh trai là ông Đỗ Văn Ý tìm đến báo Tuổi Trẻ. Khuôn mặt buồn thiu, ánh mắt kèm nhèm, ông Ỵ kể lại câu chuyện buồn của mình với hy vọng sẽ sớm được minh oan. Giấy tờ của ông chỉ vỏn vẹn một tờ "Lệnh tạm tha".

Sau khi ra tù, ông sống ẩn dật, có việc gì làm việc đó. Ngoài chi tiết liên quan đến vụ án cách đây 43 năm thì ông đã không còn nhớ gì nữa; bạn bè, đồng nghiệp cũ người đã chết, người mất liên lạc từ lâu.

Với thông tin ít ỏi đó, báo Tuổi Trẻ đã chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP.HCM đề nghị Viện KSND TP.HCM xác minh thông tin. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn ông liên hệ Sở Tư pháp TP.HCM để xin phiếu lý lịch tư pháp số 2, nhưng kết quả thể hiện ông không có án tích hay tiền án tiền sự. Bản thân ông Ỵ cùng gia đình cũng nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan xin được minh oan… cho đến nay.

Trao quyết định đình chỉ điều tra

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can - Ảnh 3.

Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Đỗ Văn Ỵ do Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM ban hành năm 1987 - Ảnh TUYẾT MAI

Sau một thời gian dài xác minh, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Đỗ Văn Ỵ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, VKSND TP.HCM cho biết ngày 17-12-2021 VKSND TP.HCM nhận được đơn yêu cầu được minh oan của ông Đỗ Văn Ỵ.

Do người làm đơn tên là Đỗ Văn Ỵ nhưng tên trong vụ án là Đỗ Văn Y (có khi là Đỗ Văn Ỷ) nên cần nhiều thời gian để xác minh nhân thân, quá trình sinh sống và làm việc của ông Đỗ Văn Ỵ. Xác minh danh - chỉ bản, dấu vân tay của Đỗ Văn Y và ông Đỗ Văn Ỵ để xác định có phải cùng một người hay không. Ngoài ra, còn xác minh chờ kết quả trả lời của nhiều cơ quan chức năng có liên quan.

Sau khi xác định được chính xác ông Đỗ Văn Ỵ là người trong vụ án đã được đình chỉ năm 1988. Vào ngày 18-10-2024, VKSND TP.HCM tiến hành mời ông Ỵ đến làm việc. Tại buổi làm việc, ông Ỵ xác định bản thân và gia đình chưa từng nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can. Do đó VKSND TP.HCM đã tiến hành giao quyết định đình chỉ điều tra bị can cho ông Ỵ.

Theo nội dung của quyết định đình chỉ điều tra bị can của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM ban hành ngày 10-11-1987:

Ngày 31-1-1981 tại An Khánh, huyện Thủ Đức xảy ra vụ giết người cướp tài sản. Nạn nhân chết do lạc đạn. Sau khi điều tra và kết quả giám định của khoa học hình sự của Bộ Nội vụ đã kết luận đạn trúng người nạn nhân trùng với đạn của súng ngắn của Độ Văn Ỵ lúc đó là chiến sĩ công an Thủ Đức cất giữ.

Căn cứ vào quá trình điều tra, do tình hình quản lý vũ khí sau chiến tranh quá lỏng lẻo, có nhiều mẫu súng có thể trùng lắp. Chỉ căn cứ vào biên bản giám định sẽ không đủ cơ sở để kết tội bị cáo đã giết người cướp tài sản riêng của công dân.

Quyết định cũng nêu rõ, "ngày 5-11-1978 ông Đỗ Văn Ỵ đã có lệnh tạm tha. Xét có đủ bằng chứng chứng minh Ỵ không phạm tội hoặc không đủ bằng chứng buộc tội bị can.

Quyết định đình chỉ bị can đối với Đỗ Văn Ỵ và trả tự do cho bị can kể từ ngày nhận được quyết định này".

Sau khi nhận quyết định đình chỉ, ông Ỵ có nguyện vọng được các cơ quan chức năng cập nhật việc đình chỉ vào lý lịch của ông, tổ chức buổi minh oan cho ông tại địa phương và bồi thường thiệt hại cho ông. Hiện VKSND TP.HCM đang tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để giải quyết yêu cầu của ông Ỵ.

Kỳ sau: Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ.

Những bị can bị lãng quên - Kỳ 1: 43 năm mang thân phận bị can - Ảnh 4.Đầu tuần tới, viện kiểm sát sẽ xin lỗi người '18 năm mang thân phận bị can oan' ở Nha Trang

TTO - Viện trưởng Viện KSND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vừa gởi giấy mời ông Thái Xuân Đàn, người 18 năm nay mang thân phận bị can oan trái, dự buổi cải chính và xin lỗi công khai vào đầu tuần tới.

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Công nghệ có liên hệ mật thiết với sự cô đơn

 Công nghệ có liên hệ mật thiết với sự cô đơn

Tác giả : Anh Thư - Đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày CN 17/11/2024

Mùa hè qua, bà Laura Marciano, nhà nghiên cứu tại ĐH Harvard (Mỹ), đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa công nghệ và sự cô đơn  trong nghiên cứu có sự tham gia của 500 thanh thiếu niên.

Các em trả lời bảng câu hỏi 3 lần/ ngày trong nhiều tuần về các tương tác xã hội của mình.

Theo kênh CNA ngày 16-11, hơn 50% số thanh thiếu niên này cho biết đã không giao tiếp với ai trong nhiều giờ liền, dù là trực tiếp hay trực tuyến. Dù đang nghỉ hè và dành nhiều thời gian cho mạng XH nhưng hầu hết đã không giao tiếp gì cả.

Cuối năm 2023, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy tuyên bố cô đơn là đại dịch. Kể từ đó, các học giả và nhà tâm lý đã tập trung nghiên cứu xem liệu công nghệ có tác động gì trong vấn đề này. Nhìn chung, họ đều đồng thuận rằng dù chưia có nhiều bằng chứng thuyết phục chứng minh công nghệ trực tiếp gây ra cảm giác cô đơn, các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quảnõ rệt giữa  hai yếu tố này. Diều  này có nghĩa những người cảm thấy cô đơn có thể đang sử dụng công nghệ theo cách không lành mạnh.

Chẳng hạn, họ dễ so sánh bản thân với người khác trên mạng XH, dãn đến cảm giác thua kém.. Ngoài ra, tin nhắn có thể tạo ra rào cản cho các kết nối chân thực, và việc nghiện video ngắn cũng khiến nhiều người tự cô lập bản thân.

- Anh Thư -


Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 17/11/2024 06:30

Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người

Vì tin vào lời "mật ngọt", nhiều người dân đã đóng tiền để đi xuất khẩu lao động ở Singapore làm đầu bếp, giúp việc… nhưng trước giờ bay thì nhân viên công ty tư vấn "lặn mất tăm".

Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty TNHH tư vấn Linh Khang tại Hà Nội - Ảnh: Q.T.

Mang đơn cầu cứu khắp nơi, họ mới tá hỏa phát hiện công ty chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Có người đã bị nhân viên Công ty TNHH tư vấn Linh Khang dụ dỗ sang tận Singapore nhưng sau nhiều ngày chờ đợi không có việc làm.

Bỏ rơi lao động ở Singapore

Theo xác minh của phóng viên, công ty này có hai cơ sở tại đường Phạm Thận Duật và đường Nguyễn Khả Trạc (cùng ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do bà Phan Thị Lan Anh làm giám đốc.

Dù đã trở về nước để vào Bình Dương bán trái cây, dọn vệ sinh theo giờ nhưng bà Lê Thị Loan (47 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn chưa thể quên được những ngày "đen tối" khi bị "thả" xuống đảo quốc sư tử Singapore.

Bà Loan kể: "Sau khi học tiếng Trung được hơn một tháng ở trụ sở công ty thì nam nhân viên tên Trần Trung Đức (ngoài 20 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái) nói giấy tờ của tôi đã đầy đủ, bay qua Singapore sẽ có người đến đón.

Đến sân bay tôi vạ vật 5 tiếng đồng hồ sau đó mới có một người đàn ông đưa đến phòng trọ chật hẹp để tá túc, nói chờ thêm hai ngày rồi đi làm".

Sau hai ngày chờ đợi theo hướng dẫn, bà Loan gọi lại cho Đức qua mạng xã hội nhưng nhân viên này không trả lời thỏa đáng, tắt máy.

"Không còn tiền trong người, không biết tiếng, tâm trạng hoảng loạn chỉ biết ôm mặt khóc", bà Loan chia sẻ và cho biết chỉ được "giải thoát" khi ra đường cầu cứu và may gặp được người Việt Nam ở Singapore.

Sau đó bà may mắn được người quen hỗ trợ mua vé, hướng dẫn ra sân bay để về nước an toàn.

Bà Loan cho biết trước đó có một phụ nữ tên Trinh (ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) giới thiệu có suất đi xuất khẩu lao động ở Singapore với mức lương hấp dẫn nên bà đã bán lúa, gà, vịt và vay mượn thêm anh em họ hàng góp được gần 200 triệu đồng.

Đóng tiền học tiếng, chi phí đi lại tổng hết 135 triệu đồng, mấy chục triệu còn lại bà dùng để trang trải học tiếng, đi lại và mua sắm đồ dùng cá nhân bay sang Singapore.

Cũng như bà Loan, anh Lê Bá Tuyến (34 tuổi) và anh Nguyễn Văn Nhất (36 tuổi, cùng ở Thanh Hóa) đã nộp tiền học tiếng, chi phí đi xuất khẩu lao động nhưng đến trước giờ bay nam nhân viên tên Đức nói trên cũng đã "bặt vô âm tín".

"Biết mình bị lừa nên chúng tôi đồng lòng quay lại công ty để đòi tiền thì bà giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu (ngoài 30 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái - nhân viên công ty, từng tư vấn đi xuất khẩu lao động) đều trốn tránh, đổ hết trách nhiệm cho chúng tôi", anh Tuyến nói.

Trả tiền "tù mù"

Anh Tuyến cho biết thêm sau nhiều lần bắt xe khách từ Thanh Hóa ra trụ sở công ty ở Hà Nội để đòi tiền thì vị nữ giám đốc "xuống nước" trả lại một phần tiền, tuy nhiên giấy ghi là do Đức vay nợ.

Trong các giấy nhận nợ này bà Thu (nhân viên) đều là người đại diện cho Đức (nhân viên) - người vay nợ - trả tiền cho người lao động. Các giấy xác nhận thanh toán nợ viết tay này đều có nội dung "bên A đã thanh toán đầy đủ số tiền cho bên B, bên B không còn bất kỳ khiếu nại hoặc yêu cầu đối với bên A liên quan đến khoản nợ này".

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, nhiều người lao động cho hay nội dung ghi trong giấy xác nhận không đúng sự thật vì họ chưa từng cho Đức vay tiền. Ngoài ra đến nay công ty vẫn chưa trả đủ tiền đi lại, ăn uống, mua sắm đồ dùng.

"Chúng tôi phải cắn răng ký vào giấy xác nhận nhận nợ vì lo sẽ không lấy được tiền của công ty. Với người dân chúng tôi để có được vài chục triệu đồng phải tiết kiệm trong rất nhiều năm trời", anh Tuyến bùi ngùi.

Ngày 14-11, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Lan Anh thừa nhận công ty chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chỉ có chức năng tư vấn.

Tuy nhiên bà Lan Anh đổ lỗi "do Đức mượn danh công ty và đã nghỉ việc… đến khi mọi chuyện vỡ lở thì phải móc tiền túi gần một tỉ bạc để khắc phục cho người lao động…".

"Bạn nhân viên kia đến giờ cũng không liên lạc được… Bên tôi không liên quan gì cả, không phải bên tôi không đưa đi hay lừa đảo…", bà Lan Anh nói.

Về các chi phí của người lao động đã bỏ ra vẫn chưa được công ty hoàn trả hết, bà Lan Anh cho rằng "tôi cũng là một nạn nhân, bị mất uy tín bởi bạn Đức...".

Trong khi đó, phóng viên Tuổi Trẻ gọi vào số điện thoại của Đức từng sử dụng dụ người dân nộp tiền đi sang đảo quốc sư tử lao động dù chuông đổ nhưng không có người bắt máy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài cho hay thời gian gần đây (tháng 11-2024), đơn vị này nhận được nhiều phản ánh của người lao động, doanh nghiệp về các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên doanh nghiệp để lừa đảo, thu tiền của người lao động.

Đáng chú ý có đối tượng mạo danh sử dụng tên đơn vị gần giống với tên doanh nghiệp được cấp phép, tài khoản cá nhân trùng với tên lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép.

Cục Quản lý lao động nước ngoài khuyến cáo để biết thông tin doanh nghiệp đã được cấp phép hay chưa người lao động cần vào trang thông tin điện tử http://dolab.molisa.gov.vn, tại mục Danh sách doanh nghiệp XKLĐ để kiểm tra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc Công ty TNHH tư vấn Linh Khang (trụ sở tại Hà Nội) không có giấy phép nhưng nhân viên vẫn nhận tiền, tổ chức xuất cảnh cho người lao động rồi trốn tránh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Người xuất khẩu lao động cần thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng, nộp tiền. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Không dễ tìm việc ở Singapore

Chị Hà Huyền Trang (26 tuổi, quê Quảng Bình - đang làm việc tại một nhà hàng cao cấp có tên J.S. ở trung tâm Singapore) cho biết đã gặp rất nhiều người lao động bị nhân viên tư vấn, môi giới ở Việt Nam lừa sang Singapore với lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao".

"Có người bị lừa đi xuất khẩu lao động 3 tháng, 6 tháng nhưng cũng có những người kém may mắn mới qua làm việc được ít ngày thì bị chủ đuổi việc, lấy lý do không đáp ứng tiêu chuẩn", chị Trang cho hay.

Làm vị trí thu ngân cùng nhà hàng J.S., chị Nguyễn Phương Trà (25 tuổi, quê Hải Dương) thông tin thêm: "Có trường hợp người lao động tôi gặp họ kể lại môi giới giới thiệu phục vụ ở quán bar lương rất cao nhưng bị lừa sang đây rửa bát.

Nhà hàng, quán bar, điểm bán hàng hiệu… rất cần lao động, tuy nhiên ngoài đáp ứng được cường độ công việc cao thì phải thông thạo ngoại ngữ".

Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người - Ảnh 2.Dùng mạng xã hội lừa đảo xuất khẩu lao động

Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Nương (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.