Cần phải có cảnh sát du lịch |
Copy từ http://petrotimes.vn/can-phai-co-canh-sat-du-lich-468916.html , đăng ngày 25-08-16, mục Đàm luận. |
Tôi đến thành phố du lịch biển Nha Trang và quả thật tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. |
Đây đúng là một thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp, với một sự phát triển về du lịch đến chóng mặt. Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả, đó là tôi cứ tưởng như mình đang lạc vào một thành phố nào đó ở Trung Quốc, bởi lượng khách du lịch là người Trung Quốc đến đây đông khủng khiếp, chỗ nào cũng thấy người Trung Quốc. |
Họ có mặt ở đâu thì ở đấy ồn ào bởi những tiếng cười đùa, la hét, không chỉ của con trẻ mà còn của cả thanh niên và người lớn tuổi. Họ khạc nhổ bừa bãi và thái độ thì không cần biết đây là lãnh thổ của quốc gia nào, hình như họ coi đó là đất của họ. |
Vào nhà hàng mới thật là khủng khiếp, nơi nào có người Trung Quốc thì nơi đó có sự ồn ào, bát nháo. Nhà hàng đông đúc như thế nhưng những thanh niên người Trung Quốc cởi trần trùng trục ngang nhiên ngồi ăn, ngang nhiên ngồi hút thuốc, thậm chí lại còn ngồi xổm trên ghế. Và hễ có một điều gì đó làm họ không hài lòng thì họ to tiếng với nhân viên phục vụ. Có người khi cầm con ghẹ luộc lên còn bắt nhân viên đem cân lại, bởi họ bảo rằng, lúc nãy con ghẹ sống to hơn con ghẹ luộc… |
Thật hết hiểu nổi là tại sao một đất nước có bề dày văn hóa như Trung Quốc, sản sinh ra biết bao vĩ nhân; một đất nước luôn đề cao chữ lễ, ấy vậy mà bây giờ thế hệ con cháu, chút chít lại như thế này? |
Khách du lịch người Trung Quốc đến các thành phố miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng có thể chia làm 4 loại. |
Loại thứ nhất là người Trung Quốc ở Hồng Kông; loại thứ hai là người Trung Quốc ở Đài Loan; loại thứ ba là ở Trung Hoa lục địa. Người ở Trung Hoa lục địa cũng lại chia làm 2 loại, một loại khá giả ở các thành phố lớn và một loại nói tiếng Hoa nặng hơn, nhiều âm thổ ngữ vì ở gần biên giới với nước ta. |
Trong những loại người Trung Quốc này thì hãi hùng nhất là những người đi du lịch ở tầng lớp bình dân. Khái niệm văn hóa, tôn trọng phong tục tập quán và những quy định về an ninh trật tự ở nước sở tại đối với họ hình như chẳng là cái gì cả. Có thể nói, hình ảnh của những người Trung Quốc này cực kỳ phản cảm. Với những người Trung Quốc ở Hồng Kông, hoặc ở Đài Bắc, hoặc ở tầng lớp trung lưu thì khá hơn, nhưng tầng lớp này thường ở trong khách sạn 4-5 sao. |
Cứ nhìn thực tế người Trung Quốc đến ta như vậy mà thấy không có biện pháp nào, không có lực lượng nào để giữ gìn an ninh trật tự và hướng dẫn cho khách du lịch thì quả là không được. |
Chúng ta đang mở cửa để thu hút khách du lịch. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều rằng, khách du lịch đến cũng có 5-7 loại khác nhau và không phải ai cũng có văn hóa, ai cũng biết chấp hành các quy định về an ninh trật tự. |
Một điều dễ nhận thấy, đó là người Trung Quốc đến du lịch cũng lại mang tư tưởng đại bá. Chính vì thế, họ đến du lịch bằng thái độ ngông nghênh, “mục hạ vô nhân”. |
Về mặt kinh tế thì đúng là du lịch phát triển tạo đà cho nhiều ngành nghề khác ăn theo. Đó là điều rất tốt và chúng ta cũng đang phấn đấu quyết liệt để thu hút khách du lịch. Nhưng cũng giống như thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, đã đến lúc không thể thu hút bằng mọi giá. Đối với khách du lịch cũng phải có những biện pháp để buộc họ phải tôn trọng văn hóa và các quy định của nơi họ đến. |
Muốn như vậy không còn cách nào khác là phải có lực lượng cảnh sát du lịch. Lực lượng này mang tính chất dân sự, họ phải được đào tạo một cách khá cơ bản về ngoại ngữ, đặc biệt là cách ứng xử. Trên thế giới có nhiều quốc gia phát triển cũng đã có lực lượng cảnh sát du lịch. Nếu có lực lượng này thì chúng ta hoàn toàn có thể nhắc nhở, khuyên bảo hoặc hướng dẫn họ giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán và luật pháp. |
Ai đời một tỉnh như Khánh Hòa, số lượng người giỏi tiếng Trung Quốc để làm hướng dẫn viên du lịch chỉ có hơn một chục. Thế mà bao nhiêu năm nay người ta dốc vào học tiếng Anh, thậm chí bắt cả trẻ em ở vùng núi, vùng dân tộc nói tiếng Kinh chưa sõi đi học tiếng Anh. |
Cũng bao nhiêu năm nay người ta không nghĩ rằng, càng ngày Việt Nam càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Trái đất này ngày một phẳng hơn, vậy tại sao lại không dạy ngoại ngữ của một đất nước hơn 1 tỉ dân và có nền kinh tế hàng đầu thế giới. |
Đúng là quan hệ hai nước Việt - Trung có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt và luôn luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn mà có thể bùng nổ xung đột bất cứ lúc nào… Nhưng không vì thế mà lại kỳ thị không dạy tiếng Trung Quốc một cách rộng rãi… |
Hậu quả bây giờ thì nhỡn tiền đã thấy, khách Trung Quốc ùn ùn đổ vào nhưng người biết tiếng không có, hướng dẫn viên du lịch thì là người Trung Quốc và họ hướng dẫn cho người của họ bằng cách xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc vị trí địa lý. Và có trời mới biết được họ nói cái gì với nhau. |
Việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch nên được coi đây là việc cần làm ngay và trước mắt làm thí điểm ở Đà Nẵng, Nha Trang, rồi tiếp đó là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. |
Người viết bài này xin nhắc lại rằng, lực lượng cảnh sát du lịch này không nên đưa vào lực lượng vũ trang mà là lực lượng cảnh sát dân sự. |
|
Như Thổ - Nguồn:Năng lượng Mới 551
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét