Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Hạn hán, ngập mặn đặc biệt nghiêm trọng tại miền Tây

Hạn hán, ngập mặn đặc biệt nghiêm trọng tại miền Tây
Copy từ http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/han-han-ngap-man-dac-biet-nghiem-trong-tai-mien-tay-a133093.html ,đăng ngày 17-02-16, mục Tin trong nước .
Hiện tại tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề.
Theo báo VnExpress, sáng 17/2/16 tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói:
"Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai", Theo Bộ trưởng Phát, trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, sau đó tính chuyện an toàn cho vụ hè thu cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đồng thời, địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp cho thấy, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. (Ảnh: VnExpress)
Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.
Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.
Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu bị nước mặn tấn công. Tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn.
"Trước mắt nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản suất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... Về lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất các biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn", ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát còn nhấn mạnh, theo Luật phòng chống thiên tai, hạn là một trong 19 loại thiên tai phải xử lí, đồng thời đưa ra lưu ý như vậy để nhấn mạnh rằng cần phải tập trung ứng phó với thiên tai chứ không phải là ứng phó như đối với một sự kiện bình thường, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Đưa ra một số nhận định và những lí giải cho tình hình căng thẳng, nóng bỏng nói trên, bộ trưởng Cao Đức Phát nói đây là tình huống thiên tai nhưng có lí do sâu xa, có lí do tác động của con người vào dòng chảy trên sông Mê Kông, đã làm thay đổi vĩnh viễn một phần chế độ dòng chảy. Đồng thời sự thay đổi đó tác động nghiêm trọng hơn trong bối cảnh một El-nino xảy ra khốc liệt nhất trong lịch sử.
“Cấp bách ứng phó với trước mắt nhưng cần tính toán cho tầm nhìn trong tương lai. Có thể hôm nay chưa giải đáp hết nhưng sẽ có những nhìn nhận, thống nhất các đường hướng để đối phó với tình huống tương tự, có thể xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn” - bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Tin tức trên báo Tri Thức Trực Tuyến, chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phải coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để có chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương.
Hạn hán khiến dòng kênh bị nứt toác. (Ảnh: VnExpress)
Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân có sự hiểu biết đúng về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt hiện nay và cả trong tương lai để cùng chính quyền chủ động các biện pháp phòng, chống và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông Phúc, về lâu dài, ĐBSCL được đánh giá là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21 nước biển có thể dâng gần 1 m. Đồng thời, các nước từ thượng nguồn đã và đang có những tác động đến dòng chảy sông Mê Kông nên nguy cơ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt.
"Điều này đòi hỏi các bộ, ngành cần tiếp tục có các nghiên cứu để có các biện pháp thích nghi, ứng phó phù hợp", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đức An (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: