Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh' - Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 28/02/2025 11:07

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam

Câu chuyện sống vui khỏe của ông cụ người Việt 105 tuổi đang làm việc say mê, vui vẻ. Cụ chưa bị lãng tai và vẫn rất minh mẫn.

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 1.

Tuổi 105, cụ Tư vẫn làm việc trên máy tính ba ca mỗi ngày - Ảnh: QUỐC VIỆT

- Dạ, con chào ông Tư. Ông khỏe không ông?

- Khỏe, tôi khỏe, cảm ơn cậu, mà ai gọi tôi vậy?

- Dạ, con là Việt, Việt báo Tuổi Trẻ, được gặp ông nhiều lần rồi ạ.

- À, Việt hả? Ghé tôi chơi nhé…

Tôi gọi vào điện thoại bàn chỉ sau vài tiếng chuông reo, đầu dây bên kia ông cụ 105 tuổi đã vui vẻ trả lời rõ rọt như thế.

Tôi không cần phải nói lớn, cũng không phải nhắc lại vì ông vẫn chưa bị lãng tai. 15 năm trước, tôi gọi đến, ông 90 tuổi đã trả lời rõ từng tiếng. Rồi nhiều lần sau tôi gọi cũng được ông trả lời như thế ở tuổi 98, 100, 102, 104…

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Tư cùng vợ ở Nha Trang năm 1956 - Ảnh: Tư liệu gia đình

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đình Tư ở tuổi 105 vẫn sống vui khỏe hiện nay như cây đại thụ của đất Sài Gòn - TP.HCM - Ảnh: NVCC

1. Ra giêng năm Ất Tỵ 2025 này, tôi lại gọi đến và thật mừng khi lại được nghe giọng vui vẻ của ông cụ đã tròn 105 tuổi trời. Cái tuổi xưa nay không phải là hiếm nữa mà là quá hiếm, nhất là khi ông vẫn sống vui khỏe, chẳng ai phải hầu hạ và đặc biệt là ông vẫn đang ngồi bàn viết sách đến ba ca mỗi ngày.

Ông có thể lọc cọc gõ máy tính 15 - 16 giờ mà chẳng cần đeo kính cũng chẳng hề mỏi lưng. Thật kỳ lạ.

Ông cụ ấy là ai?

Xin trả lời đấy chính là nhà nghiên cứu khả kính Nguyễn Đình Tư, sinh năm 1920, quê xưa ở Nghệ An. Một bậc cao niên - đại thụ của đất Sài Gòn - TP.HCM.

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Tư luôn nở nụ cười hiền lành và ông nói đó chính là "bí quyết" trường thọ của ông - Ảnh: QUỐC VIỆT

Bút nghiệp đáng kính nể của ông thì có lẽ không cần kẻ hậu bối như tôi nhắc lại. Bài viết ngắn này chỉ xin kể làm thế nào để ông cụ có thể sống vui khỏe và vẫn làm việc bền bỉ ở tuổi 105?

Cách đây vài ngày, tôi gọi xin hẹn gặp ông Tư. Bởi tôi biết đến đường đột có thể không gặp, vì ông vẫn hay đi dù tuổi rất cao.

Buổi sáng, ghé nhà ông trong hẻm nhỏ đường Chu Văn An (Bình Thạnh, TP.HCM), tôi chỉ bấm chuông rồi đợi vài phút đã thấy ông mở cửa, vui vẻ mời vào. Vừa mới đi thang bộ từ tầng 3 xuống mà ông không hề thở dốc.

- Dạ, chào ông, trời đất ông ngần này tuổi mà vẫn đi thang nhanh thế à?

- Có gì đâu, tôi vẫn tập thể dục bằng cách đi thang 10 lượt như thế - ông Tư cười trả lời rõ từng tiếng. Ông cụ có nụ cười hiền với cả gương mặt, đặc biệt là ánh mắt cười rất phúc hậu.

- Bố tôi leo ba tầng lầu tập thể dục là leo lên 10 lượt, leo xuống 10 lượt đấy, đi liên tục không nghỉ, cũng chẳng cần ai phải bên cạnh - người con trai thứ ba tuổi cũng đã 75 của ông Tư góp lời cha.

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 5.

Giấy mừng thọ của chính quyền xác nhận ông Tư sinh năm 1920- Ảnh: QUỐC VIỆT

Mặc dù đã biết sức khỏe bền bỉ vượt quy luật thời gian của ông cụ cao tuổi 105 này, tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Ông nhanh nhẹn cầm bút ký tặng tôi cuốn tự truyện Nguyễn Đình Tư đi qua trăm năm mà không hề đeo kính, cũng không hề run tay khi viết cả mấy dòng chữ. Những nét chữ nhỏ xíu vẫn thẳng hàng trên trang giấy không ô ly.

Ông cũng ký tên khá dài với gần chục nét "bay bướm", rõ ràng, không nét nào run nét nào gãy. Cầm tờ Tuổi Trẻ tôi tặng, ông cũng không cần đeo kính mà đọc lướt rất nhanh và bình luận sắc sảo, chứng tỏ ông vẫn quan tâm dòng thời cuộc.

Người con trai ông như đọc được sự ngạc nhiên trong mắt tôi, liền cười nói:

- Này, nhằm nhò gì. Bố tôi vẫn ngồi làm việc máy tính đủ ba ca sáng, chiều, tối đấy. Có đêm bố say sưa làm việc tới 1h sáng, tôi phải nhắc ngủ đấy.

Còn ông cụ tuổi 105 thì nhẹ nhàng kể đang viết cuốn sách sử cho NXB Tổng Hợp TP.HCM. Buổi sáng ông ngủ dậy, tập thể dục tại chỗ một lát rồi uống ly sữa và viết tới gần 12h trưa.

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 6.

Hội đồng gia tộc Nguyễn Đình xác nhận mừng ông Tư đại thượng thọ 102 tuổi năm 2022 - Ảnh: QUỐC VIỆT

Ăn một chén cơm và nghỉ trưa tới 14h30, ông lại ngồi trước máy tính đến gần 18h mới nghỉ để tập thể dục bằng cách đi bộ 10 lượt cầu thang 3 tầng. Và ăn một chén cơm tối xong, ông lại say sưa ngồi viết đến nửa đêm…

- Thế ông học đánh máy tính khi nào? - tôi hỏi vì nhớ vài năm trước ghé vẫn thấy ông viết tay bản thảo.

- Mới 5, 6 năm thôi. Tôi tự học đánh máy tính cho dễ biên tập đỡ vất vả hơn viết tay.

Tôi sững sờ khi nghe ông cụ kể chuyện tự học máy tính khi tuổi đã 100. Ở bên ngoài, tôi biết rất nhiều người tuổi

70 - 80 không biết dùng máy tính và cũng không hề có ý học... Mấy lần nghe tôi nhắc tới lui câu hỏi "bí quyết" sống vui khỏe ở tuổi quá hiếm như thế, ông cười khà khà nói:

- Anh đọc tự truyện của tôi thì rõ. Tôi sinh năm 1920 ở Nghệ An nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ, có được miếng ăn ngon ăn bổ gì đâu. Rồi đất nước ly loạn, chiến tranh liên miên, tôi cũng chỉ là người cố gắng làm để nuôi gia đình, đâu điều kiện gì để chú ý sức khỏe…

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 7.

Cụ Nguyễn Đình Tư vẫn vui khỏe ở tuổi 105 cùng tác giả - Ảnh: N.D.X.

2. Ông Tư kể quê ở Nghi Lộc, Nghệ An, mới 4 tuổi đã mồ côi mẹ. Làng ông lại nghèo nhất vùng nghèo, bữa ăn chỉ để đỡ đói. Mỗi năm trừ vài ngày Tết và giỗ chạp có chút thịt cá, còn lại mâm cơm quanh quẩn chỉ rau lang, rau muống, bắp chuối.

Ngày qua ngày, bữa ăn của ông chỉ là chén tương đậu rất mặn (ngược với bây giờ ăn nhạt để tốt cho sức khỏe) và đĩa "nhút" là mít non muối ăn dần.

Thời thơ ấu của ông, miếng mít non muối mặn này như miếng thịt thời nay và cũng phải ăn rất dè sẻn. Lớn lên ông đi học quốc ngữ xa nhà, được cha gói cho nắm cơm trộn muối trong mo cau.

Gia phả nhà ông Tư cũng chẳng được mấy người thượng thọ. Cha mẹ ông sinh hai con gái đầu đều không may chết yểu, sau mới sinh tiếp được bốn con trai mà ông là con thứ tư nên có luôn cái tên Nguyễn Đình Tư.

Vợ chồng ông di cư vào Nam, sinh được năm con trai, một con gái và đến giờ ông đã có cháu chút, tức đời thứ năm sau cháu chắt là đời thứ tư. Hiện nay ông Tư đến tuổi 105 là cây cao bóng cả trong đại gia đình "ngũ đại đồng đường"…

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 8.

105 tuổi, ông vẫn cầm bút viết mà không hề run tay và cũng không cần đeo kính - Ảnh: QUỐC VIỆT

Tâm sự chuyện gia đình mình, ông Tư kể chỉ có dư thừa sự yêu thương nhau chứ chưa bao giờ dư thừa tiền bạc dù là thời ông còn đi làm giáo viên hay điền địa trước 1975.

Từng thấy cảnh đồng bào phải đói đến chết năm Ất Dậu 1945, ông nhớ mãi lời cha dặn lúc sinh thời: "Ăn khi no phải lo khi đói, ăn sớm mai phải lo buổi chiều, ăn khi lành phải dành khi ốm". Hầu hết bữa cơm của đời ông đều đạm bạc, thậm chí có những giai đoạn còn sợ chết đói.

Sau năm 1975, ông thất nghiệp ở tuổi 55 phải ra vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi sửa xe đạp mưu sinh. Bữa cơm gia đình cũng bo bo, khoai mì, gạo mốc, cá khô có giòi trong bụng… Tuy nhiên chính giai đoạn "ngày ngày ngồi đợi khách qua đường" này, ông lại bùng nổ bút nghiệp với những trang bản thảo lấm lem cả dầu mỡ sửa xe.

Về sau, khi vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 để đọc tài liệu, ông cũng chỉ mang theo nắm cơm ăn với muối mè, bữa nào sang lắm là ổ bánh mì không nhân. Các anh em ông không ai vượt được tuổi 80…

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 9.

Nét bút ở tuổi 105 của ông vẫn không hề run mà vẫn như thuở thanh niên - Ảnh: QUỐC VIỆT

- Vậy bí quyết nào để ông sống vui khỏe như cây đại thụ vậy? - tôi lại lặp câu hỏi.

- Tôi nghĩ chắc là do mình giữ được tâm yên tĩnh, cả đời thanh thản, chỉ biết cười, không thù ghét, oán trách ai. Nhiều biến cố xảy ra nhưng tôi vẫn lạc quan, vui vẻ vì luôn có niềm tin mọi sự sẽ tươi sáng hơn như đất nước, đồng bào mình qua thời chiến tranh, đói kém đã đến thời no ấm, phát triển tốt đẹp rồi…

Tâm sự với tôi, ông kể bản thân ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên. Nhưng ông lại cười nói rằng điều này có lẽ chỉ là một yếu tố thôi, chứ không phải tất cả, vì nhiều người thực hiện rất kỹ lưỡng nhưng cũng đâu thể trường thọ.

"Tôi nghĩ quan trọng nhất là cái tâm thiện lành, an vui và có mục đích sống, như mục đích của tôi là viết thêm 15 cuốn sách nữa nếu trời cho được như lời chúc của anh", ông cụ tuổi 105 cười hóm hỉnh trả lời khi tôi chúc ông thọ đến tuổi trời 120.

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 10.

105 tuổi, ông vẫn không đeo kính, đọc báo thời sự mỗi ngày - Ảnh: QUỐC VIỆT

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 11.

Tuổi 104, ông Tư vẫn vui khỏe đi xe lửa ra Hà Nội để nhận giải A Giải sách quốc gia năm 2024 - Ảnh: Fb Đinh Thanh Thủy

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 12.

Tác giả chúc thọ cụ Nguyễn Đình Tư năm 2022 khi cụ đã 102 tuổi - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có bút nghiệp đáng kính nể gồm hàng chục tác phẩm từ tiểu thuyết lịch sử đến nghiên cứu lịch sử, địa chí như Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954), Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954), Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020)…

Ông hai lần đoạt giải cao nhất Giải sách quốc gia: lần thứ nhất năm 2018, ông được trao giải A cho bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954). Lần thứ hai năm 2024, ông đoạt giải A năm 2024 bộ sách 2 tập Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020). Ở tuổi 104, ông vẫn vui khỏe đi xe lửa ra Hà Nội nhận giải, để ngắm cảnh non sông đất nước.

Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh': Bí quyết sống vui khỏe tuổi 105 của ông cụ Việt Nam - Ảnh 3.Sống đến 100 tuổi - bí mật của 'vùng xanh' - Kỳ 6: Chạy đua tìm thuốc sống thọ 100 tuổi

Các phương pháp kéo dài tuổi thọ ra sao? Thuốc gì có thể làm cho con người sống thọ tới 150 tuổi? Thực hư thuốc chống lão hóa?

Công nghệ AI - vũ khí chống lừa đảo trực tuyến

 Công nghệ

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 28/02/2025 10:14

Công nghệ AI - vũ khí chống lừa đảo trực tuyến

Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, AI đang trở thành vũ khí đắc lực chống tội phạm mạng. Các chuyên gia đề xuất giải pháp tích hợp AI để nhận diện cuộc gọi lừa đảo và ngăn chặn rò rỉ dữ liệu cá nhân.

Công nghệ AI - vũ khí chống lừa đảo trực tuyến - Ảnh 1.

Thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ qua nhiều con đường: từ nhân sự nội bộ hoặc qua tấn công mạng - Ảnh minh họa: Quang Định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Nguyễn Thiên Phước, giám đốc công nghệ Công ty Gianty Việt Nam, cho rằng lừa đảo trực tuyến xuyên biên giới ngày càng tinh vi, đặc biệt tại khu vực Tam giác vàng. Các công nghệ AI và Big Data sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và ngăn chặn hành vi gian lận.

"AI có thể phân tích dữ liệu giao dịch theo thời gian thực, nhận diện giọng nói trong các cuộc gọi giả mạo và giám sát nội dung trên mạng xã hội để phát hiện các trang web lừa đảo. Công nghệ này không chỉ giúp cảnh báo người dùng mà còn có thể tự động chặn giao dịch đáng ngờ, khóa tài khoản hoặc ngăn chặn các chiến dịch lừa đảo trước khi chúng lan rộng", ông Phước phân tích.

Bên cạnh đó, AI còn giúp tối ưu hóa cổng thông tin báo cáo lừa đảo bằng cách sàng lọc, phân loại và ưu tiên xử lý các trường hợp nghiêm trọng. Chatbot AI có thể tự động hướng dẫn nạn nhân, giảm tải cho cơ quan chức năng, trong khi hệ thống AI có thể liên kết dữ liệu từ nhiều vụ lừa đảo để hỗ trợ điều tra nhanh chóng.

Ông Phước đề xuất: "Các công ty công nghệ, ngân hàng và nhà mạng cần phối hợp mật thiết để chia sẻ dữ liệu, triển khai công nghệ giám sát và cảnh báo sớm". Đồng thời, ông khuyến nghị thành lập các ban hoặc hiệp hội chuyên đề, huấn luyện liên tục các cơ quan, ban ngành giống như một đơn vị "phòng cháy chữa cháy trên không gian mạng".

Ngoài ra, ông Phước còn đề xuất mô hình Bounty Hunter giúp khuyến khích các chuyên gia bảo mật tham gia săn lùng tội phạm mạng bằng cơ chế thưởng minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống lừa đảo trực tuyến.

Còn theo ông Hoàng Xuân Hương, giám đốc công nghệ Công ty bảo mật an ninh mạng VNetwork, với tiềm lực công nghệ hiện tại, các nhà mạng Việt Nam hoàn toàn có thể ghi lại các thuê bao có kết nối từ các trạm phát sóng ở khu vực được khoanh vùng hoạt động của tội phạm mạng. Từ đó kết hợp cơ quan chức năng nhận diện giọng nói ra văn bản và dùng những dữ liệu này để AI phân tích, chặn ngay các cuộc gọi lừa đảo thường thấy.

"Đơn giản nhất là sau mỗi cuộc gọi có thông báo phản hồi có phải lừa đảo hay không, có lượng báo cáo nhất định, nhà mạng có thể dựa vào lịch sử và nội dung cuộc gọi có thể tạo từ khóa để chặn những cuộc gọi tiếp theo", ông Hương chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Lã Mạnh Cường, tổng giám đốc Opswat Việt Nam, các tổ chức lưu trữ thông tin nhạy cảm như ngân hàng, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và tài chính cần nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu người dùng.

Theo ông Cường, nhiều vụ lừa đảo thành công trong thực tế xuất phát từ việc kẻ gian có được số CCCD, họ tên, địa chỉ, số điện thoại và thậm chí là lịch sử giao dịch của nạn nhân. Thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ qua nhiều con đường từ nhân sự nội bộ hoặc qua tấn công mạng.

Để ngăn chặn nguy cơ này, ông Cường cho rằng các tổ chức cần triển khai giải pháp bảo vệ dữ liệu đa lớp, trong đó công nghệ Data Loss Prevention (DLP) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, kiểm soát và ngăn chặn rò rỉ dữ liệu. 

Công nghệ DLP có thể giúp phát hiện và ngăn chặn truy xuất dữ liệu trái phép, mã hóa dữ liệu nhạy cảm, giới hạn quyền truy cập dữ liệu và phát hiện rò rỉ dữ liệu qua email, USB, cloud.

Nhận diện các hình thức lừa đảo phổ biến

Lợi dụng lòng tham và sự thiếu kiến thức, những kẻ lừa đảo tung ra các chiêu trò mời gọi đầu tư tài chính, đặc biệt là "tiền ảo", với lời hứa lợi nhuận khủng. Chúng quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia vào các sàn giao dịch, website giả mạo do chúng tạo ra.

Đội ngũ nhân viên giả danh chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện công ty môi giới uy tín tập hợp "nhà đầu tư" vào các nhóm tư vấn qua Zalo, Telegram. Sau khi thu hút được nhiều người và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất trắng.

Lừa đảo tình cảm cũng phổ biến không kém. Kẻ lừa đảo tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội, trang hẹn hò hoặc diễn đàn bằng hồ sơ giả mạo với hình ảnh đánh cắp của người có ngoại hình đẹp.

Chúng tạo mối quan hệ tình cảm giả thông qua tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa, sau đó dụ dỗ nạn nhân gửi hình ảnh nhạy cảm để tống tiền hoặc thuyết phục họ đầu tư vào các sàn giao dịch tài chính Forex giả mạo.

Chiêu lừa "việc nhẹ lương cao" đang khiến nhiều người sập bẫy, nhất là những người đang tìm việc. Mấu chốt của chiêu này nằm ở yêu cầu nộp tiền tạm ứng trước khi bắt đầu làm việc.

Một số biến tướng tinh vi hơn là trả tiền ban đầu cho nạn nhân nhưng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng với lý do thanh toán hoặc tạo tài khoản, từ đó dẫn dắt người dùng vào bẫy.

Công nghệ AI - vũ khí chống lừa đảo trực tuyến - Ảnh 2.Hiếu PC mách nước: Yêu cầu đối phương... nhe răng để phát hiện cuộc gọi lừa đảo

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) mách nhỏ chỉ cần yêu cầu đối phương nhe răng, là biết ngay cuộc gọi deepfake lừa đảo.


Nhức nhối khi người Việt lừa người Việt

 Thời sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 28/02/2025 09:05

Nhức nhối khi người Việt lừa người Việt từ 'việc nhẹ lương cao'

Thời gian qua nhiều người dân ở Việt Nam trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo xuyên biên giới. Đằng sau những phi vụ lừa đảo thành công là biết bao gia đình rơi vào cảnh khốn khó vì "tay trắng".

Nhức nhối khi người Việt lừa người Việt - Ảnh 1.

Các nghi phạm là nhân viên trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia ở thời điểm bị cảnh sát bắt quả tang - Ảnh: Công an cung cấp

Đau lòng hơn khi bất chấp hai chữ đồng bào, người Việt lại đang lừa người Việt từ lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao".

Nạn nhân 'việc nhẹ lương cao' thành công cụ lừa đảo

Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã tập trung triệt phá nhiều đường dây lừa đảo xuyên quốc gia với thủ đoạn dùng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản. Điển hình như hồi tháng 1, Phòng Trọng án đã triệt phá băng nhóm lập công ty tại Campuchia để lừa đảo người dân ở Việt Nam. Đầu tháng 2, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá ổ nhóm hoạt động tại Campuchia từng chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng của hơn 13.000 người dân cả nước.

"Nhân lực" chính của các đường dây lừa đảo này là những nạn nhân người Việt bị dụ dỗ sang Campuchia với lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao". Tuy nhiên khi đến nơi, họ bị bán vào các công ty lừa đảo và buộc phải tham gia các hoạt động phi pháp.

Cục Cảnh sát hình sự xác định tại một số nước Đông Nam Á, nhiều băng nhóm tội phạm do người Trung Quốc cầm đầu đã lợi dụng chính sách của nước sở tại trong các đặc khu kinh tế, khu casino để hoạt động lừa đảo.

Các nhân viên người Việt được những ổ nhóm tội phạm này nuôi ăn ở tập trung, cung cấp máy tính và điện thoại để lừa đảo công dân Việt Nam. Nhóm lừa đảo đào tạo nhân viên theo kịch bản viết sẵn, trả lương, thưởng/phạt. Mỗi tổ lừa đảo được giao chỉ tiêu từ 1,5 tỉ - 3 tỉ đồng/tháng. Mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu 100 triệu đồng/tháng.

Những nhân viên không thực hiện yêu cầu đều bị cưỡng bức, đánh đập dã man. Nhiều người bị sát hại với thủ đoạn rất dã man, tra tấn như thời Trung cổ. Một số vụ tử thi bị đốt, phân xác, phi tang.

Hợp tác với nước bạn

Để cung cấp nguồn nhân viên, nhiều đối tượng đã lập công ty với danh nghĩa tuyển dụng. Bằng thủ đoạn quảng cáo, lôi kéo tìm việc làm ở Lào, Campuchia và Thái Lan, các đối tượng móc nối với các nghi phạm đưa người sang Campuchia bất hợp pháp qua đường tiểu ngạch.

Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, ngoài việc bị đánh đập, các nhân viên sẽ bị bán lại cho những băng nhóm mua bán người. Đối với những nạn nhân không còn giá trị sử dụng, chúng sẽ ép gọi điện về nhà đòi tiền chuộc. Tuy nhiên rất ít nạn nhân được trả tự do sau khi gia đình đã chuyển khoản tiền "chuộc thân".

Trước tình hình này, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với cơ quan đại diện Bộ Công an ở Campuchia để điều tra công dân Việt Nam làm việc tại các công ty ở đặc khu kinh tế thuộc thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia).

Bằng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật Campuchia, "đánh tội phạm từ sớm, từ xa", Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ nhiều nghi phạm lừa đảo, đồng thời tiếp nhận hàng trăm công dân Việt Nam đưa về nước.

Đại tá Lê Khắc Sơn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, cho biết thời gian tới lực lượng cảnh sát hình sự Việt Nam sẽ tập trung đấu tranh quyết liệt loại tội phạm lừa đảo hoạt động xuyên biên giới. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài để bắt giữ, xử lý triệt để các cá nhân Việt Nam tham gia tổ chức tội phạm.

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, dụ dỗ sang nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao". 

Đề nghị người dân tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, nhất là giả mạo cơ quan chức năng, giả vờ yêu đương rồi dụ dỗ tham gia các dự án đầu tư, đánh bạc… để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhức nhối khi người Việt lừa người Việt - Ảnh 2.Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công an làm việc với Myanmar vụ người Việt bị tạm giữ

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan và Myanmar đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, để xác minh thông tin về nhân thân của công dân Việt Nam.