Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011
Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011
Lá dứa thơm nhiều công dụng
Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011
Con đường trà Việt - Kỳ 5
Loạt bài "Con đường trà Việt" của báo Tuổi Trẻ được đăng thành 6 kỳ.
Kỳ 1:Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt.
Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”.
Kỳ 3:Mơ về một "thánh địa" chè Việt.
Kỳ 4:Giữ hương trà Việt.
Kỳ 5:Trên những đồi chè phương Nam.
Kỳ cuối:"Đạo" trong trà Việt.
Kỳ 5:Trên những đồi trà phương Nam
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/465040/Con-duong-tra-Viet---Ky-5-Tren-nhung-doi-tra-phuong-Nam.html;bài đăng ngày 15/11/2011,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - “VN là một trong năm quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Diện tích trồng chè, tổng sản lượng và lượng chè xuất khẩu qua các năm không ngừng tăng lên. Cây chè trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo...”- báo cáo ấy của Hiệp hội Chè VN hẳn là điều đáng mừng cho những ai quan tâm tới ngành chè.
Chế biến chè trong Nhà máy chè Cầu Đất xưa - Ảnh tư liệu
Nhưng theo số liệu năm 2002, mỗi người dân VN chỉ dùng 0,25kg trà, chưa bằng bình quân đầu người trên toàn thế giới là 0,5kg. 90% chè Việt được xuất khẩu dưới dạng thô, giá chè xuất khẩu của VN chỉ bằng một nửa giá chè thế giới. Nếu ngành chè ở phía Bắc phát triển với những thương hiệu lớn thì ngược vào Nam, “thủ phủ chè” xa xưa của Nam bộ lại thuộc cao nguyên B’Lao, nơi mà từ thời Pháp thuộc những đồn điền chè đã bắt đầu phát triển. Nay nó như thế nào?
Hoài niệm Cầu Đất
Chúng tôi về thăm Nhà máy chè Cầu Đất (Xuân Trường, TP Đà Lạt) - được xác lập kỷ lục là “nhà máy trà xưa nhất VN còn hoạt động”. Tại đây, một dự án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái trong vườn chè cổ hơn 80 năm tuổi đang được phục dựng để mọi người có thể tìm hiểu “nguồn cội chè” của vùng đất phương Nam.
Bên bộ máy chế biến chè ngày xưa nay không còn hoạt động, phó giám đốc Nhà máy chè Cầu Đất cho biết: “Bây giờ chúng tôi ngừng sản xuất chè đen, thế mạnh của nhà máy là trồng và sản xuất chè Ô Long vì thị trường rất chuộng”.
Trong ngôi nhà trên con dốc dẫn vào Nhà máy chế biến chè Cầu Đất, bà Nguyễn Thị Nà, 77 tuổi, khoe những bức ảnh ố vàng chụp nhà máy xưa. Trên tường, bức ảnh một đồi chè mênh mông trong sương sớm được phóng to treo trịnh trọng. Ấy là những kỷ niệm còn lại sau hơn 40 năm bà làm công nhân Nhà máy chè Cầu Đất. 19 tuổi, bà Nà đã theo cha vào nhà máy làm công nhân chế biến chè. Bà nhắc nhớ kỷ niệm ấy với tất cả sự trân trọng, thế nên tôi lấy làm ngạc nhiên khi thứ trà mà bà Nà mang pha mời khách từ xa tới là loại trà Ô Long của một công ty Đài Loan khác. Câu hỏi của tôi lại mở ra một trời tâm sự...
Bà Nà kể: “Ngày ấy Cầu Đất còn thuộc sự quản lý của người Pháp, tất cả mọi việc, từ trồng chè, chế biến chè đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình. Máy vò chè, máy sao chè sau khi làm xong đều được tẩy rửa sáng bóng, sạch sẽ. Chúng tôi vào ca làm không được xức dầu gió, không được mang thức ăn có mùi nặng như nước mắm vào xưởng, sợ sẽ làm át mất mùi trà. Giờ lên thăm nhà máy, tôi thấy quy trình sản xuất đổi khác hoàn toàn, máy móc hiện đại nhưng tôi thấy sao mọi thứ thật bề bộn so với thời chúng tôi làm. Loại chè ngày xưa công ty làm vừa sạch vừa ngon, giờ không còn nữa!”.
Mỗi tối, bếp nhà anh Quyền, chị Luyến lại đỏ lửa để sao chế chè - Ảnh: Tâm Lụa
Mấy ai còn nhớ
Ông Trần Văn Nghĩa, ở thôn 1, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, tự hào khoe: “Nhà tôi chỉ có 2 sào đất trồng chè thôi, nhưng được một công ty của Đài Loan đầu tư từ A đến Z: nào là giống, phân bón, thuốc trừ sâu, cách chăm sóc... đều tuân thủ theo công nghệ của họ. Đến mùa, giá cả thị trường như thế nào thì họ mua bằng như thế chứ nhất định không ép giá người trồng chè. Nhiều hộ gia đình nhất định không chịu hợp tác với các công ty này, đến mùa bán cho các thương lái bên ngoài đều bị ép giá rất cực nhọc”.
Rồi như nghiệm ra điều gì đó, ông Nghĩa trầm ngâm: “Loại chè chúng tôi trồng là giống chè Ô Long của Đài Loan. Ở đây đa số bà con đều trồng loại chè này cả. Cũng có một số nhà máy của nước ngoài về mua lại đất của bà con làm nông trường chè bạt ngàn, bà con thấy bán đất có lợi, trồng chè lại cực nên rủ nhau bán đất. Cuối cùng lại đi làm thuê trên chính đất đai và quê hương mình. Nghe nói các loại chè sản xuất ở đây được đóng gói, xuất khẩu ra tận nước ngoài. Bây giờ đặc sản chè Việt đâu không thấy, chứ nhắc chè Ô Long - Đài Loan thì ai cũng biết cả. Được đầu tư, năng suất cao, lại có đầu ra thì tội gì không trồng”.
Rời khỏi những con dốc quanh co, những đồi chè bát ngát trong mây chiều, tôi tự hỏi cái mộng tìm lại hương trà xưa của bà Nà bao giờ mới trở thành hiện thực?
Nỗi lòng chè Thái Nguyên
Sau một ngày gù lưng hái chè trên nương, vợ chồng anh Quyền, chị Luyến (xóm Bình Định 1, xã Bình Sơn, thị xã Sông Công, Thái Nguyên) trở về nhà để chế biến chè. Chè hái về được anh chị rải đều trong góc bếp cho ráo nước, ráo sương.
“Chè hái về phải sao chế liền, nếu để quá lâu thì khi chế biến sẽ mất đi hương vị. Thứ chè hái về đều giống nhau là một tôm hai lá (một đọt, hai lá) mới đúng tiêu chuẩn. Người làm chè sành sỏi phải là người biết đốt củi và điều chỉnh độ nóng vừa phải để khi sao chè, lá chè không bị quá khô, không quá ướt”- anh Quyền vừa nói vừa thoăn thoắt cho từng đợt chè vào máy sao. Sau khi sao khô lại cho chè vào máy vò để giúp chè cuộn tròn. Cứ bốn mẻ chè tươi (khoảng 8kg) sau khi sao thì được một mẻ chè vò. Sau khi vò chè lại tiếp tục bỏ chè vào máy sao khô. Sau lần sao này, chè đã cuốn lại thành từng búp, bắt đầu thành phẩm. Chị Luyến đổ chè ra trên chiếc bao, rồi tỉ mẩn nhặt từng cánh vàng, là loại chè không cuốn được bỏ ra ngoài. Sau khi nhặt lá vàng lại bỏ chè vào máy sao lần cuối để lên hương cho chè.
Hơn 12g đêm họ mới chế biến hết số chè tươi. Sáng mai, đường làng í ới tiếng người dân gọi nhau đi bán chè. Khu chợ được lập ngay giữa ngã ba đường làng, gia đình nào cũng có ít nhất dăm cân chè khô mang ra bán. Các thương lái kì kèo trả giá để mua được mớ chè ngon với giá rẻ nhất. Chị Luyến bán 7 cân chè khô được 700.000 đồng. Cầm mấy trăm ngàn đồng trên tay, mặt chị buồn rượi: “Không đủ chi phí phân bón và thuê người hái. Làm chè khô cũng không lời hơn bán chè tươi là bao, lại cực nhọc trăm bề, nhưng không làm thì buồn chân buồn tay”.
TÂM LỤA
Từ ngàn xưa, người Việt đã quen với phong tục uống chén chè tươi hái từ những rừng chè xanh um trên núi cao ngút ngàn. Qua bao biến đổi không gian, thời gian, văn hóa trà Việt đã tạo nên những phong cách đặc thù của riêng mình...
Kỳ tới: “Đạo” trong trà Việt
Con đường trà Việt - Kỳ cuối
Loạt bài "Con đường trà Việt" của báo Tuổi Trẻ được đăng thành 6 kỳ.
Kỳ 1:Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt.
Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”.
Kỳ 3:Mơ về một "thánh địa" chè Việt.
Kỳ 4:Giữ hương trà Việt.
Kỳ 5:Trên những đồi chè phương Nam.
Kỳ cuối:"Đạo" trong trà Việt.
Kỳ cuối: “Đạo” trong trà Việt
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/465194/Con-duong-tra-Viet--%C2%A0Ky-cuoi-%E2%80%9CDao%E2%80%9D-trong-tra-Viet.html;bài đăng ngày 16/11/2011,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - Việt Nam được coi là cái nôi của cây chè. Phong tục uống trà và sự phát triển của cây chè Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc. Người Việt xưa dù sống trên núi cao, dưới đồng bằng châu thổ hay bên bờ biển, dù là người sang, kẻ hèn tất thảy đều giữ tập tục uống trà.
Sao chè bằng phương pháp thủ công trong chảo gang của người Mông -Ảnh: Ngọc Quang
Ngày nay, mời uống trà là biểu hiện đầu tiên đã trở thành quy luật của lòng hiếu khách, tôn trọng khách trong mọi gia đình người Việt. Đằng sau tách trà nóng là biết bao câu chuyện được thổ lộ, từ những việc hệ trọng đến bình dân nhất.
Đặc sắc trà Việt
Bên chén trà Tân Cương, PGS Đỗ Ngọc Quỹ - người dành trọn cả đời mình cho việc đi khắp các hành lang chè Việt Nam và thế giới để nghiên cứu, tìm hiểu về cây chè - tự hào khoe: “Nét đặc sắc trong văn hóa uống trà là bát nước chè xanh, chè tươi của người Việt Nam mà trên thế giới không nơi nào có được”.
Tự ngàn xưa, người Việt sơ khai đã biết hái chè tươi nấu sôi để uống. Lê Quý Đôn trong cuốn Vân đài loại ngữ có ghi: “Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới và Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mọc xanh um đầy rừng, người địa phương hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên”.
Nhiều vùng đất Việt có phong tục uống chè tươi đặc sắc như Thanh Chương - Nghệ An, Đường Lâm - Sơn Tây, Hương Sơn - Hà Tĩnh...
Người Thanh Chương có tục uống chè xanh rất độc đáo là uống theo vòng. Hôm nay gia đình này nấu nước chè thì ngày mai gia đình khác nấu. Gia chủ khi nấu nước xong liền sai con trẻ đi gọi từng người xóm giềng một, hoặc bắc tay ra ngõ mà loa: “Bớ làng bớ nác, mời cả làng qua nhà tui uống một đọi nác” (uống một bát nước).
Bên bát nước chè xanh, người dân quê nói chuyện xóm giềng, mùa màng, cấy hái... tình làng nghĩa xóm nhờ thế mà thắt chặt. Ngày nay cuộc sống tất bật, cái thú uống chè xanh theo vòng, theo hội cũng dần biến mất. Một số cơ quan, công sở ở phía Bắc vẫn còn giữ tục nấu nước chè xanh để mọi người trong cơ quan cùng uống trong các buổi họp hành, thư giãn.
“Tục uống trà với cả một hệ thống những kinh nghiệm tinh tế, những quy ước ứng xử bất thành văn từ ngàn đời xưa như thế khác chi một thứ đạo? Sở dĩ nó không trở thành một trà đạo như Chado của Nhật Bản chẳng qua vì nó phổ biến rộng quá, trở thành thói quen toàn dân từ rất sớm, cộng thêm tính linh hoạt của văn hóa Việt Nam không chịu gò bó mình trong một khuôn khổ nhất định nào.
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, tục uống trà tạo ra một sự thư giãn giữa cuộc sống hối hả chạy theo tốc độ, một sự suy ngẫm giữa công việc được lập trình một cách máy móc, một cách cân bằng rất phương Đông cho nền văn minh nghệ thuật phương Tây” - GS Trần Ngọc Thêm (sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam - 2001).
Sách xưa kể rằng nói đến nghệ thuật uống trà của người Việt thì không ai có nhã thú phong lưu này cao hơn chúa Trịnh Sâm (1739-1782). Chúa Trịnh Sâm đã tự biến mình thành trà nô, tự quạt nước, pha trà cho mình và các quần thần. Hay như Phạm Ðình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã nêu bật cái thú uống trà là ở chỗ “cái tinh nó sạch sẽ, cái hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu nàng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, ấy người xưa ưa chuộng chè là vì vậy”.Hơn 20 năm gắn bó với chén trà, với ông giáo Lư, văn hóa trà đầu tiên là một bộ môn về vệ sinh. Người ta không thể uống trà ở nơi nhơ bẩn. Ở Lư Trà Quán chỉ có vài ba chiếc bàn con, vài ấm trà dưới chân cầu thang nhưng thứ gì cũng sạch sẽ. Ngày hè, cụ Lư ngâm chén trong nồi nước sôi, ngày mùa đông cụ luộc chén trên bếp than, khi có khách tới mới vớt chén ra rót trà. Đó là cách giữ vệ sinh sạch sẽ và giữ cho chén trà nóng được lâu. Người ta kỵ nhất là tiếp khách bằng những chiếc tách hay chén còn ngấn nước trà cũ. Chén trà tiếp khách là thể hiện những tình cảm tôn trọng nhất, nên không thể tùy tiện dù ấm trà mời khách không thiết phải là loại trà thượng hạng.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng ở Việt Nam chỉ có tập quán uống - mời trà như một nghi thức giao tiếp, mà chưa có trà đạo như một tôn giáo theo đúng nghĩa trà đạo Nhật Bản. Trà đạo Nhật Bản có hẳn giáo chủ, giáo lý và thánh đường. Trung Quốc có Trà kinh của Lục Vũ như một bách khoa toàn thư mở về chè có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sau.
Việt Nam có tập quán uống trà không kém bề dày lịch sử nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nhận thức đầy đủ và thống nhất về nguồn gốc phát triển, nội dung và ý nghĩa của trà đạo. Người Việt Nam uống trà như một phong tục tập quán, tạo ra một khoảnh khắc thư giãn để tâm tĩnh lặng trong nhịp sống xô bồ. Như anh Hoàng Sướng, chủ Hiên Trà Trường Xuân (13 phố Ngô Tất Tố, Hà Nội), tâm sự: “Hơn mười năm gắn bó với trà Việt, tôi nhận ra một điều khách chỉ có thể đánh nhau, cãi vã hay nói tục trên bàn nhậu, chứ bên chén trà người ta không thể nói và nghĩ được chuyện gì ác. Đó phải chăng là cái đạo trong trà Việt”.
Ai níu hương trà phôi pha?
Có lẽ vì nhận ra điều ấy nên hơn mười năm nay sau rất nhiều khó khăn, anh Sướng đã thay đổi địa điểm quán đến ba lần, Hiên Trà Trường Xuân vẫn mở cửa và chỉ bán các loại chè Việt đặc sản như chè Tân Cương, chè Suối Giàng, chè ướp hương sen, hương nhài theo bí quyết gia truyền... Ba lần di dời quán, nhiều bạn trẻ mê trà Việt vẫn tìm đến với Hiên Trà Trường Xuân để thưởng thức một chén trà Việt, nghe anh Sướng kể chuyện văn hóa trà Việt.
Mấy năm trước đường phố Hà Nội tràn ngập biển vàng của trà Lipton, biển xanh của trà Dimah hay đèn lồng đỏ của những quán trà Đài Loan, Trung Quốc... Giữa những thương hiệu sắc màu ấy thì những Lư Trà Quán, Hiên Trà Trường Xuân hay Trà Việt Hiên Quán... trông khiêm nhường, nhỏ bé hơn để trà Việt đến với cuộc sống hiện đại.
Sau những câu chuyện về văn hóa trà Việt, PGS Đỗ Ngọc Quỹ trầm ngâm: “Từ khi Nhà nước rút kinh phí, Ngày hội chè Việt Nam không còn được tổ chức. Hình thức Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam (thành lập năm 1979), tiền thân của Tổng công ty Chè Việt Nam, tàn lụi dần, Viện Nghiên cứu chè Thanh Ba được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba đã bị xóa sổ, trụ sở cao ba tầng đồ sộ bị bỏ hoang rao bán không người mua phải sáp nhập với Trường Đào tạo công nhân chè Thanh Ba, trang thiết bị hoen gỉ không phát huy tác dụng trong nghiên cứu chè...”.
Từ ngày về hưu, GS Quỹ không còn tham gia hoạt động của Hiệp hội Chè Việt Nam, dù ông nhận được rất nhiều lời mời phát biểu và xây dựng ý kiến. Hiện GS Quỹ rút mình ra khỏi các hoạt động, ông chỉ viết sách, nghiên cứu về văn hóa trà Việt Nam.
TÂM LỤA
Con đường trà Việt - Kỳ 4
Loạt bài "Con đường trà Việt" của báo Tuổi Trẻ được đăng thành 6 kỳ.Kỳ 1:Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt.Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”.Kỳ 3:Mơ về một "thánh địa" chè Việt.Kỳ 4:Giữ hương trà Việt.Kỳ 5:Trên những đồi chè phương Nam.Kỳ cuối:"Đạo" trong trà Việt.
Kỳ 4:Giữ hương trà Việt
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/464903/Con-duong-tra-Viet---Ky-4-Giu-huong-tra-Viet.html;bài đăng ngày 14/11/2011,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - Hơn 20 năm nay, trong một ngõ nhỏ rộng chưa đầy 5m dưới chân cầu thang khu tập thể nhà B6 - Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, có một quán trà mang tên Lư Trà Quán. Ấy là nơi đàm đạo văn chương của các cụ già về hưu, của những cô cậu sinh viên, hay người dân buôn bán quanh khu tập thể. Chủ Lư Trà Quán là ông giáo Lư đã về hưu.
Cụ Lư (bìa phải) và những người bạn trà quen thuộc tại Lư Trà Quán - Ảnh: Tâm Lụa
Bên chén trà ấm nóng dưới chân cầu thang, rất nhiều câu chuyện thế sự được bàn, rất nhiều bài thơ được đọc và nhiều lần kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là nỗi ưu tư trong lòng ông giáo Lư về điều gọi là hương trà VN.
Chuyện từ Lư Trà Quán
Từ sáng sớm, ông giáo Lư đã cần mẫn dọn hàng nước. Cũng chỉ vài phích nước sôi, vài bộ ấm pha trà, những thanh kẹo lạc. Hơn 20 năm, có rất nhiều thứ đã đổi thay. Ông giáo Lư lưng còng thêm, tóc bạc trắng, 14 người bạn hưu trí hay uống trà, cùng đàm đạo văn thơ với ông đã về cõi vĩnh hằng. Riêng có một thứ vẫn không thay đổi: lịch uống trà được ghi nắn nót trên một tấm bìa cactông cũ.
Lịch ấy ghi thế này: “Thứ hai uống trà mộc Tân Cương, thứ ba uống trà sen, thứ tư trà nhài, thứ năm trà cúc”... Phía dưới tấm lịch là dòng ghi chú: “Đây là trà đặc sản của VN, nếu có bạn tâm đồng ý hợp pha một ấm trà đặc sản trên đây ngồi nhâm nhi với thanh kẹo lạc, kể vài ba câu chuyện vui vui hoặc đọc cho nhau nghe vài ba câu thơ mà bạn tâm đắc, ta sẽ cảm thấy thanh thản, thoải mái vô cùng. Và nó sẽ xua đi hết những ưu tư, trần tục”.
VTV4, Đài NHK của Nhật Bản về ghi hình, giới thiệu với bạn bè thế giới cái ngõ nhỏ với chén trà ấy. Mỗi ngày, Lư Trà Quán chỉ có vài chục khách, mỗi người uống một chén trà chỉ với giá 3.000 đồng. Phép tính giản đơn để biết quán trà đã tồn tại hơn 20 năm ấy không vì mục đích kinh doanh. Người tới uống trà cũng không phải để tìm một chén trà ngon, loại trà của cụ Lư chắc hẳn không phải là thứ trà ngon nhất Hà thành.
Nhiều người bảo chỉ đến để tìm một không gian yên tĩnh trong nhịp sống xô bồ, tìm một người bạn để đàm đạo văn chương... Nhiều bạn trẻ khi đến Lư Trà Quán uống trà, nghe cụ Lư kể chuyện về trà đã ngạc nhiên hỏi: “Trà Tân Cương là đặc sản của VN đấy ư? Vậy mà chúng cháu tưởng trà của Trung Quốc. Hóa ra VN có một nền văn hóa ẩm thủy độc đáo mà chúng cháu không hề biết”.
Trước những câu hỏi ấy của nhiều người, cụ Lư thở dài: “Đắn đo mãi mới quyết định bán nước trà, vì nghĩ mình là người nhà nước, về hưu phải chọn nghề cho xứng với cái danh của người nhà nước. Bán trà rồi mê lúc nào không hay, buồn một nỗi văn hóa trà Việt bị bỏ bê quá, giới trẻ không mấy ai quan tâm, người dân trồng chè còn khổ cực, mà Nhà nước, Chính phủ thì bận trăm công nghìn việc...”.
Nghe những tâm sự gan ruột của cụ Lư, bất giác một cụ đọc lên mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong Thăng Long thành hoài cổ: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương/ Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường...
Rời khỏi Lư Trà Quán, tôi ám ảnh mãi trong đầu những dòng thơ của Huy Cận, Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương...mà các cụ vừa đọc. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Lư và những người bạn trà hay ngân nga những bài thơ của các thi nhân xưa bởi người nay cũng đầy những trăn trở, hoài vọng. Chỉ khác một điều thi nhân xưa với những ám ảnh bất lực với thời gian, không gian hay thời cuộc; còn cụ Lư và những người bạn trà thì ngâm nga những vần thơ ấy để tiếc nhớ một hương trà Việt đang dần phai phôi...
Ướp hương cho trà
Hà Nội là cái nôi của việc uống trà ướp hoa, đặc biệt là trà ướp hương sen, hương nhài... ít nơi nào có được. Về Hà Nội, nhắc tới việc ướp hương cho trà không thể không nhắc tới Tuấn Chè ở số 23 Hàng Muối. Trà ướp hoa phải là thứ trà anh Tuấn đặt người dân trồng ở Đại Từ, Thái Nguyên với một quy trình nghiêm ngặt từ việc trồng, hái và sao chế để cho ra loại trà ngon nhất. Sen để ướp trà phải là loại sen được hái từ hồ Tây.
Do đặc điểm thổ nhưỡng mà sen hồ Tây có bông to, thắm màu và hương thơm đặc biệt hơn loại sen trồng ở vùng khác. Để ướp được 1kg trà cần tới hơn 1.000 bông sen. Vào mùa, sen được hái từ lúc sáng sớm, tách lấy gạo sen ngay tại đầm rồi mang về ướp trà. “Công đoạn ướp trà đòi hỏi tinh tế, cầu kỳ vô cùng” - anh Tuấn chia sẻ. Cứ một lớp gạo sen lại rải một lớp trà, rải càng mỏng thì trà và hương sen lại quấn quýt nhau. Sau khi ủ trà 20-23 tiếng thì sàng bỏ gạo sen rồi mang trà đi sấy khô, rồi lại ướp, rồi lại sấy... Sau bảy lần như thế mới được một mẻ chè sen. Vợ chồng anh Tuấn vẫn tự tay ướp, sao chè vì sợ người làm không biết sẽ ảnh hưởng tới hương chè.
Ngược dòng trở về phương Nam nắng ấm để tìm hiểu cách chế biến trà. Người dân huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng thường bán chè tươi cho các đại lý chứ không cầu kỳ sao chế chè khô như người Thái Nguyên. Các đại lý mua nhiều loại chè tươi với nhiều giá khác nhau: từ trà sam (hái một tôm hai lá) có giá đắt nhất, tới trà cành (cành chè hái 3-4 lá), rẻ nhất là loại trà xào (người dân cắt bán cả cành). Việc ướp hương cho trà của người phương Nam cũng không có được sự cầu kỳ như người làm chè phía Bắc. Dọc hai bên đường Trần Phú (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) đầy rẫy cửa hàng treo biển bán trà đặc sản, trà ướp hương.
Nhiều người miền Bắc sau khi uống trà của phương Nam trồng thì bảo nhạt quá, trong khi đó nhiều người Nam uống trà Bắc lại bảo quá đậm và khó uống. Âu cũng là khẩu vị và sở thích của từng người. Nhưng dù đậm hay nhạt, chát hay đắng, chén trà Việt có một đặc điểm mà ai cũng rất thích: chát mạnh, ngọt hậu. Vị trà sau khi uống người xưa thường bảo “đi tám dặm đường còn ngọt trong cổ”, ấy là vị đắng của giọt mồ hôi nước mắt, vị ngọt của sự chắt chiu, nâng niu của những người trồng chè trên dải đất hình chữ S này.
Lê Quý Đôn trong cuốn Vân Đài loại ngữ (1773) đã mô tả cây chè vườn một gia đình của người Kinh ở vùng Thanh Hóa, ghi chép cụ thể về phong tục dân gian uống chè tươi, hay chế biến chè đơn giản (băm giã, ủ, phơi khô) của làng nghề làm chè Bạng nổi tiếng. Nhiều sử sách ghi lại hình thức uống trà của người Việt khởi nguồn từ chùa chiền. Các nhà sư thường uống trà và tụng kinh thay cơm sáng hay những lúc chiều tà để giúp tỉnh được mộng trần và rửa được lòng tục.
Sau đó, trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình. Ấy là loại trà ngon đựng trong lọ sứ, lọ thủy tinh, bên ngoài bọc giấy bạc, giấy bóng kính như bằng chứng của sự giàu sang quyền quý, để phân biệt đẳng cấp với bậc thứ dân trong xã hội phong kiến. Nhiều sử sách còn chép lại thú uống trà đầy vẻ cầu kỳ của các quan xưa: phải đủ than hoa, hỏa lò, siêu đồng, chén tống chén quân, khay chạm khảm...
TÂM LỤA - ĐỨC BÌNH
Rời phương Bắc, người ta sẽ có một thế giới trà khác ở tận vùng cao nguyên B’Lao bạt ngàn nắng gió. Ở đó có một nhà máy chế biến trà xưa nhất VN còn hoạt động, có những nỗi niềm ưu tư về tương lai cây trà Việt...
Kỳ tới: Trên những đồi trà phương Nam
Con đường trà Việt - Kỳ 3
Hôm nay 18/Nov/11,Google kỷ niệm Louis Daguerre's 224th Birthday.
Click vào hình trên trang Google, sẽ hiện danh sách các bài viết liên quan.
Con đường trà Việt - Kỳ 3
Kỳ 3: Mơ về một “thánh địa” chè Việt
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/464780/Con-duong-tra-Viet---Ky-3-Mo-ve-mot-%E2%80%9Cthanh-dia%E2%80%9D-che-Viet.html;bài đăng ngày CN 13/11/11,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - Nếu chè cổ thụ Suối Giàng là tặng vật của dãy Hoàng Liên Sơn khi ghé chân về miền Yên Bái, thì những vùng chè cổ ở Hà Giang gắn liền với dãy Tây Côn Lĩnh vòi vọi miền cực Bắc đất nước.
Chè cổ thụ Suối Giàng mang màu sắc của miền thượng giới, thì chè cổ thụ Hà Giang có dáng dấp can trường và nghĩa khí của những hiệp khách biên ải. Câu chuyện giữa ông Ngô Viết Thành với chúng tôi trong một buổi sáng Hà Giang vừa trở rét, sắt se cơn gió mùa đông bắc cứ thao thức những nỗi niềm...
Ảnh trên: Những cây chè cổ thụ này đã là một bảo chứng tin cậy để Suối Giàng trở thành “thánh địa chè shan tuyết” của Việt Nam - Ảnh: Ngọc Quang
Từ Hà Giang nghĩ về chè Phổ Nhĩ
Vốn là một kỹ sư xây dựng thủy lợi, sau khi về hưu ông Thành lập công ty xây dựng, nhưng rồi khi khám phá những rừng chè cổ thụ cực kỳ quý hiếm của Hà Giang lại không giúp cuộc sống bà con người Mông, người Dao khấm khá hơn, ông chuyển hướng đến với cây chè. Công ty TNHH Thành Sơn đã ra đời và làm nên thương hiệu chè shan tuyết Thành Sơn có tiếng.
Một trong những trăn trở lớn nhất của ông Thành là làm sao để nguồn nguyên liệu của giống chè cổ thụ shan tuyết quý hiếm này phải đạt tới giá trị gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Bởi một điều rất đơn giản là cũng với một vùng nguyên liệu như Hà Giang đang có, thậm chí chất lượng nguyên liệu chưa hẳn đã hơn shan tuyết Hà Giang, nhưng những người làm chè ở Vân Nam (Trung Quốc) đã sản xuất ra loại chè Phổ Nhĩ với giá bán lên tới cả trăm nghìn USD/kg nếu loại chè này được để lâu năm.
Trong giấc mơ của mình, thay vì từ nguyên liệu shan tuyết để chế biến ra loại chè vàng bình thường, ông Thành thiết tha đề xuất Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cần khẩn cấp tư vấn cho người dân vùng Tây - Đông Bắc về quy trình kỹ thuật trồng, chế biến nguyên liệu để cho ra thành phẩm chè kiểu như Phổ Nhĩ. Theo ông, nếu làm được như thế, từ nguồn nguyên liệu của hơn 40.000ha chè shan tuyết Hà Giang, giá trị cuối cùng của sản phẩm chè hẳn là một con số đủ sức thay đổi cuộc sống hàng vạn người dân Mông, Dao, Tày... trên biên cương cực Bắc. Mơ ước ấy không chỉ riêng của ông Ngô Viết Thành, chúng tôi đã gặp những con người sống chết với cây chè shan tuyết để mang khát vọng trà Việt xứng danh với vị trí thủy tổ cây trà thế giới...
Nỗi lòng thương hiệu “Suối Giàng”...
Trên một quãng phố của TP Yên Bái, chúng tôi đếm hàng chục tiệm trưng biển chè Suối Giàng, xa hơn, nhiều thành phố khác như Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang... tới tận Hà Nội, Sài Gòn cũng không ít tiệm bán chè “Suối Giàng”. Nhưng với sản phẩm 400 tấn chè tươi, cho ra 100 tấn chè khô mỗi năm, chè Suối Giàng ở đâu mà lắm thế?
Trao đổi điều này với ông Nguyễn Hợp Đoàn, phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, được lời như cởi tấm lòng, ông Đoàn tuôn trào ấm ức: “Ai cũng biết chè Suối Giàng thật chỉ có một, nhưng chè núp dưới tên Suối Giàng thì có khắp cả nước. Giờ thì huyện chỉ biết tập trung phát triển vùng chè cổ thụ đúng theo nghĩa tự nhiên nhất. Chúng tôi từng có kế hoạch phát triển chè shan tuyết bằng cách giâm cành, bón phân để nhanh có chè thu hoạch, nhưng để bảo tồn nguồn gen của chè Suối Giàng, giờ đây huyện quyết định trồng chè bằng cách gieo hạt từ nguồn giống lấy từ những cây chè cổ thụ tốt nhất”.
Ai cũng biết chè Suối Giàng thật chỉ có một, nhưng chè núp dưới tên Suối Giàng thì có khắp cả nước.
Chị Lâm Thị Kim Thoa, chủ nhiệm HTX chè Suối Giàng, vốn là cán bộ Công ty Thương mại và du lịch tỉnh Yên Bái đã “rẽ ngang” sang làm chè chỉ bởi quá xót xa khi thấy chè Suối Giàng bị “đánh lận con đen” quá nhiều. Cùng với vài người bạn ở Suối Giàng và đặc biệt là anh Nguyễn Mạnh Bình, chồng chị, vốn gắn bó lâu với Suối Giàng, nắm vững các kỹ thuật chế biến chè riêng có tại đây. Sản phẩm của HTX Suối Giàng chưa nhiều, mỗi năm chỉ chừng vài tấn, nhưng như chị Thoa nói cố mà làm chè đúng nghĩa Suối Giàng, xây dựng thương hiệu riêng với niềm hi vọng “hữu xạ tự nhiên hương” mà đánh bạt đi những Suối Giàng giả hiệu đang nhan nhản trên thị trường. “Tuyết Sơn trà” là thương hiệu chè shan tuyết của HTX chè Suối Giàng do chị Thoa làm chủ nhiệm.
“Chè chốt”
Ông Ngô Viết Thành kể rằng: Trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, lính của ta trên các cao điểm đã phát hiện những cây chè cổ thụ này. Những phút “hưu chiến” giữa các trận đánh, anh em hái những chồi búp của giống chè shan tuyết cổ thụ quanh năm dầm trong sương giá, có lẽ chưa bao giờ biết tới hơi người, mọc quanh cao điểm rồi rang sao lên, vừa làm thức uống cho mình, vừa dành dụm gửi về làm quà cho bạn bè, gia đình ở quê. Vì chè được làm ra trên các chốt cao điểm nên quen gọi là “chè chốt” hay “chè lính”.
Ước mơ từ “thủ phủ” chè shan tuyết...Suối Giàng hội đủ điều kiện để trở thành một “thánh địa” của chè cổ shan tuyết. Chỉ riêng cái khí hậu ôn đới như Đà Lạt hay Sa Pa của Suối Giàng đã khiến người ta thèm được đắm mình trong không gian bốn mùa mỗi ngày như thế này rồi. Cứ tưởng tượng con đường từ Văn Chấn lên Suối Giàng quanh co với mây núi bao bọc, ẩn sau một khúc cua là bất ngờ một quán trà hiện ra với những sơn nữ sao chè theo cách thủ công, rồi mời khách thưởng thức cái hương vị riêng có của cây chè nơi miền trời đã đủ cho lòng hưng phấn. Huống nữa, quanh những khu đồi miên man bóng chè kia, xen lẫn là những vạt pơmu dáng trầm mặc mà kiêu hãnh.
Không cần chi những biệt thự hoa lệ, hãy làm những ngôi nhà lợp bằng gỗ pơmu như người Mông bao thế kỷ nay vẫn quần tụ dưới chân đỉnh núi Chông Páo Mùa. Đó là những nếp nhà thơm sực mùi nhựa pơmu và tấm “ngói” bằng gỗ pơmu ấy biết cong lên dưới ánh nắng trưa cho những tia nắng lọt vào nhà, soi “những hạt bụi thành hạt vàng” như ý một câu thơ. Và khi mưa xuống, mái gỗ ấy biết khép lại úp khít lên che những hạt mưa xiên khoai.
Giữa rừng chè cổ thụ đẹp như những bonsai qua hàng bao thế kỷ ấy, trong những nếp nhà thơm mùi nhựa pơmu và hương hoa chè dịu ngọt, du khách bên bếp lửa tự tay pha ấm trà với những búp móc câu phủ lớp tuyết óng ánh bạc, nhìn qua cửa sổ mây đang giăng màn trên đỉnh núi, hay phóng tầm mắt qua lan can hiên nhà sàn để thấy cánh đồng Nghĩa Lộ - Văn Chấn huyền ảo trong sương sớm, hẳn không một du khách nào không cảm giác Suối Giàng chính là “miền trời” nơi hạ giới.
Tất nhiên tất cả những điều đó có là hiện thực hay không thì còn phải chờ đợi. Dù trên dự án để đưa Suối Giàng thành một thủ phủ của chè shan tuyết cổ thụ các thông số đã thành hình.
Có dịp đi ra xứ người, ghé thăm những làng trà của người ta đưa vào khai thác du lịch, mới biết chúng ta hơn hẳn về cảnh sắc, hơn hẳn vị chè và những gốc chè cổ thụ qua bao thế kỷ như Suối Giàng thì xứ người không làm sao có được, vậy mà người ta vẫn khiến hàng triệu du khách ghé đến mỗi năm.
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Chúng ta có quyền mơ ước về ngày mai của Suối Giàng như thế bởi với người Việt, chè (hay trà) đã là một phần văn hóa được gìn giữ qua bao nhiêu thế kỷ... chén chè (hay tách trà) đã là một thứ không thể thiếu để mở đầu nghi lễ giao tiếp của người Việt.Kỳ tới: Giữ hương trà Việt.
Con đường trà Việt - Kỳ 2
nbsp;
Loạt bài "Con đường trà Việt" của báo Tuổi Trẻ được đăng thành 6 kỳ.Kỳ 1:Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt.Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”.Kỳ 3:Mơ về một "thánh địa" chè Việt .Kỳ 4:Giữ hương trà Việt .Kỳ 5:Trên những đồi chè phương Nam .Kỳ cuối:"Đạo" trong trà Việt.
Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/464589/Con-duong-tra-Viet---Ky-2-Huyen-thoai-che-%E2%80%9Cshan-tuyet%E2%80%9D.html;bài đăng ngày 12/11/11,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - Đến với Suối Giàng, chắc chắn bạn sẽ được những người Mông kể cho nghe câu chuyện về đàn khỉ hái chè, rằng trước đây để khỏi leo lên cây chè hái, người dân nơi đây đã huấn luyện cho khỉ hái chè.
Cây chè “tổ” cổ thụ ở Suối Giàng hiện nay- Ảnh: Việt Dũng
Những chồi chè trên chót vót cành cao, chênh vênh rìa núi mép vực đã được bầy khỉ hái và ném gọn gàng vào quẩy tấu (gùi), rồi dân cứ thế gùi về nhà sao chế. Câu chuyện ít nhiều mang màu sắc huyền thoại về đàn khỉ hái chè ấy nay không còn gặp, nhưng hình ảnh những gốc chè cổ thụ với thân nhánh vạm vỡ thì vẫn còn nhìn thấy.
Những cây chè qua hàng chục đời người...
Anh Giàng A Đằng đang sở hữu một vườn chè với những gốc chè cổ thụ trong khu vườn nằm ngay trên lối vào trụ sở UBND xã Suối Giàng. Gia đình anh cũng đang sở hữu một thương hiệu khá tiếng tăm của Suối Giàng là “Đằng Trà”. “Đằng Trà” cũng có nghĩa là trà của nhà ông Đằng, nhưng Trà cũng là tên người vợ của anh, tên “Chà” đọc chệch từ chữ “trà”. Khu vườn với sáu gốc chè “huyền thoại Suối Giàng” của anh Đằng nay được giao cho con gái và người con rể trông nom.
Sừng sững trong sương giá, những gốc chè có tuổi gần 300 năm ấy vẫn cứ đâm chồi xanh mướt mát hết lứa này đến lứa khác. Bố của anh Giàng A Đằng là cụ Giàng A Lữ, năm nay 78 tuổi. Cụ Lữ cũng là người chủ tế trong buổi lễ cúng cây chè tổ vào mỗi dịp đầu năm sau Tết âm lịch. Cứ bình quân mỗi thế hệ là 20 năm, với tuổi đời hơn 300 năm, dễ thường những cây chè trong vườn anh Đằng đã đi qua hơn chục đời người và tiếp tục xanh cùng bao nhiêu đời cháu con trong tộc hệ.
Từ đời cụ kỵ xa xưa đến đời cụ Lữ, rồi đến anh Đằng, và nay là con và cháu của anh đã thấy những cây chè ấy mọc ngay bên hè nhà. Chỉ cần với tay qua ô cửa là có thể bứt được nắm chè thả vào nồi nước thơm ngan ngát mỗi bình minh trong căn nhà lợp bằng những mảnh gỗ pơ mu, bốn mùa mây phủ sương giăng. Từ trụ sở ủy ban xã, theo con đường bêtông đi một vòng quanh rừng chè, lúc chìm trong mù mây vây bọc dáng vẻ cổ thụ của thân chè, sự tinh khiết của núi rừng, hương thơm của hoa chè đang trổ ngan ngát, những đám mây luồn lách qua cung đường núi, lòng chợt thầm tiếc là Suối Giàng đã không trở thành một Sa Pa hay Tam Đảo, nhưng rồi chợt mừng là may mà Suối Giàng chưa bị cơn lốc du lịch kéo đến.
Nhưng không chỉ là những thân cây chè to, điều làm nên huyền thoại Suối Giàng chính là tên gọi “shan tuyết” riêng có. Shan, theo nhiều người chỉ là cách đọc của “Sơn” - tức là núi, nhưng chè shan tuyết không phải là chè trên núi tuyết. Thoạt đầu, nghe đến shan tuyết chúng tôi cũng ngỡ đấy là vùng chè trên những núi tuyết. Mà Việt Nam làm gì có núi tuyết? Hóa ra không phải thế. Những ngày theo dấu hành trình cây chè Việt ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy những búp “tuyết trà” với một vẻ đẹp không thể hình dung nổi nếu không tận mắt nhìn thấy.
Bí mật của “tuyết” và chè “5 cực”
Chị Triệu Thị Oanh, chủ nhân của một cơ ngơi bán chè và đá cảnh lớn nhất Suối Giàng, đã mời chúng tôi ghé thăm và thưởng thức những ấm trà shan tuyết siêu hạng chỉ riêng nhà chị mới làm ra được. Và công lao sáng tạo chè “5 cực” chính là chồng chị, anh Lê Quang Tùng. Vốn từ một nhân viên bảo vệ của Nhà máy chè Vạn Hưng, nhưng tình yêu với hai đặc sản của Suối Giàng là chè và đá cảnh, sau mấy chục năm gắn bó nay anh Lê Quang Tùng xứng danh là một “đại gia” của Suối Giàng.
Đó là những búp chè thay vì nhặt ra “một tôm - hai lá” như bình thường, chị chỉ chọn lấy một tôm (búp non duy nhất trên chồi cây) mà cũng không phải là loại tôm bình thường, đó phải là những búp chè được ngậm sương, trên bề mặt búp phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết. Gói chè chị mang ra là những búp khô có màu vàng kiêu sa được phủ một lớp bạc. Chỉ vào lớp bạc như nhũ trên tôm chè, chị Oanh giải thích: cái lớp nhũ bạc phủ trên tôm này mới đích thị là “tuyết chè”, chè ngon nhiều hay ít phụ thuộc vào lớp tuyết này. Để hái được chè với lớp tuyết đẹp như thế này cũng là một kỳ công, không phải cứ hái là được “tuyết chè”.
Thường cây chè vùng Suối Giàng mỗi năm thu hái được ba vụ. Vụ xuân vào tầm tháng 2-3 âm lịch, đây là vụ cho chè chất lượng tuyệt hảo nhất. Chịu đựng giá buốt suốt mùa đông núi cao, rồi ngậm từng hạt sương sớm lúc giao mùa, ủ từng khối mù mây mỗi sớm, cây chè shan tuyết Suối Giàng bừng thức khi mùa xuân tràn về. Những chồi non của chè lúc này hội tụ trong nó tất cả tinh túy của trời đất thiên nhiên, sương gió, mù mưa của miền rẻo cao, mùa xuân đẹp viên mãn trong lớp tuyết bạc lấp lánh dát trên mỗi lá chè, mỗi búp chè.
Từ nguồn nguyên liệu thượng hạng này, vợ chồng chị Oanh đã thêm một lần nữa biến nó thành “siêu hạng” để cho ra đời loại chè shan tuyết “5 cực”.
Gọi là “5 cực” bởi đó là loại chè “cực khổ”, để hái được là một kỳ công, do chỉ có thể hái nó được một vụ trong năm và mỗi vụ chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất của mùa thu hoạch thay vì hái 3-4 vụ như các loại chè khác. Người hái phải thức dậy lúc tinh mơ, trước khi ánh nắng rọi lên lá kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè.
Đó là loại chè “cực ngon” bởi được tuyển lựa cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết, và gọi là “cực sạch” bởi trên độ cao gần 1.400m, chè shan tuyết Suối Giàng không hề biết đến thế nào là thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Vẻ đẹp lão trượng dạn dày sương gió của cây chè núi cao dị ứng với tất cả những can thiệp của con người, chỉ có đất trời sương giá “miền thượng giới” nuôi búp chè bừng thức.
Chưa hết, chè còn được gọi là cực đẹp chính là hệ quả của một quá trình từ thu hái, chọn lựa, sao chế, bởi để chế biến ra, vợ chồng chị Oanh có riêng một công thức sao chế loại chè này từ thứ than củi bằng gỗ sến. Chỉ với loại than này nhiệt lượng cung cấp cho quá trình sao chế đạt tới độ cần thiết để chè dậy hương. Nhìn búp chè dày tuyết được ủ gọn trong túi bóng được xử lý chân không đã mê chứ chưa nói đến chuyện pha uống.
Và chính vì cực khổ, cực ngon, cực sạch, cực đẹp nên giá nó là cực đắt. Giá hiện nay của một cân chè “5 cực” bán ngay tại nhà chị Oanh là 2 triệu đồng. Mà cũng không phải khi nào cũng có để bán. Chị Oanh hài hước “Người ta gọi chè này là chè “5 cực” nhưng cũng có thể gọi nó là chè... “2 không”, vì người mua thường không được uống, và người uống lại thường không phải mất tiền mua (!)”.
Nếu chè cổ thụ Suối Giàng là tặng vật của dãy Hoàng Liên Sơn thì những vùng chè cổ ở Hà Giang gắn liền với dãy Tây Côn Lĩnh vòi vọi miền cực Bắc. Chè cổ thụ Suối Giàng mang màu sắc của miền thượng giới thì chè cổ thụ Hà Giang có dáng dấp can trường của những hiệp khách biên ải...
Kỳ tới: Nghĩ về một “thánh địa” trà Việt
Loạt bài "Con đường trà Việt" của báo Tuổi Trẻ được đăng thành 6 kỳ.Kỳ 1:Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt.Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”.Kỳ 3:Mơ về một "thánh địa" chè Việt .Kỳ 4:Giữ hương trà Việt .Kỳ 5:Trên những đồi chè phương Nam .Kỳ cuối:"Đạo" trong trà Việt.
Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/464589/Con-duong-tra-Viet---Ky-2-Huyen-thoai-che-%E2%80%9Cshan-tuyet%E2%80%9D.html;bài đăng ngày 12/11/11,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - Đến với Suối Giàng, chắc chắn bạn sẽ được những người Mông kể cho nghe câu chuyện về đàn khỉ hái chè, rằng trước đây để khỏi leo lên cây chè hái, người dân nơi đây đã huấn luyện cho khỉ hái chè.
Cây chè “tổ” cổ thụ ở Suối Giàng hiện nay- Ảnh: Việt Dũng
Những chồi chè trên chót vót cành cao, chênh vênh rìa núi mép vực đã được bầy khỉ hái và ném gọn gàng vào quẩy tấu (gùi), rồi dân cứ thế gùi về nhà sao chế. Câu chuyện ít nhiều mang màu sắc huyền thoại về đàn khỉ hái chè ấy nay không còn gặp, nhưng hình ảnh những gốc chè cổ thụ với thân nhánh vạm vỡ thì vẫn còn nhìn thấy.
Những cây chè qua hàng chục đời người...
Anh Giàng A Đằng đang sở hữu một vườn chè với những gốc chè cổ thụ trong khu vườn nằm ngay trên lối vào trụ sở UBND xã Suối Giàng. Gia đình anh cũng đang sở hữu một thương hiệu khá tiếng tăm của Suối Giàng là “Đằng Trà”. “Đằng Trà” cũng có nghĩa là trà của nhà ông Đằng, nhưng Trà cũng là tên người vợ của anh, tên “Chà” đọc chệch từ chữ “trà”. Khu vườn với sáu gốc chè “huyền thoại Suối Giàng” của anh Đằng nay được giao cho con gái và người con rể trông nom.
Sừng sững trong sương giá, những gốc chè có tuổi gần 300 năm ấy vẫn cứ đâm chồi xanh mướt mát hết lứa này đến lứa khác. Bố của anh Giàng A Đằng là cụ Giàng A Lữ, năm nay 78 tuổi. Cụ Lữ cũng là người chủ tế trong buổi lễ cúng cây chè tổ vào mỗi dịp đầu năm sau Tết âm lịch. Cứ bình quân mỗi thế hệ là 20 năm, với tuổi đời hơn 300 năm, dễ thường những cây chè trong vườn anh Đằng đã đi qua hơn chục đời người và tiếp tục xanh cùng bao nhiêu đời cháu con trong tộc hệ.
Từ đời cụ kỵ xa xưa đến đời cụ Lữ, rồi đến anh Đằng, và nay là con và cháu của anh đã thấy những cây chè ấy mọc ngay bên hè nhà. Chỉ cần với tay qua ô cửa là có thể bứt được nắm chè thả vào nồi nước thơm ngan ngát mỗi bình minh trong căn nhà lợp bằng những mảnh gỗ pơ mu, bốn mùa mây phủ sương giăng. Từ trụ sở ủy ban xã, theo con đường bêtông đi một vòng quanh rừng chè, lúc chìm trong mù mây vây bọc dáng vẻ cổ thụ của thân chè, sự tinh khiết của núi rừng, hương thơm của hoa chè đang trổ ngan ngát, những đám mây luồn lách qua cung đường núi, lòng chợt thầm tiếc là Suối Giàng đã không trở thành một Sa Pa hay Tam Đảo, nhưng rồi chợt mừng là may mà Suối Giàng chưa bị cơn lốc du lịch kéo đến.
Nhưng không chỉ là những thân cây chè to, điều làm nên huyền thoại Suối Giàng chính là tên gọi “shan tuyết” riêng có. Shan, theo nhiều người chỉ là cách đọc của “Sơn” - tức là núi, nhưng chè shan tuyết không phải là chè trên núi tuyết. Thoạt đầu, nghe đến shan tuyết chúng tôi cũng ngỡ đấy là vùng chè trên những núi tuyết. Mà Việt Nam làm gì có núi tuyết? Hóa ra không phải thế. Những ngày theo dấu hành trình cây chè Việt ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy những búp “tuyết trà” với một vẻ đẹp không thể hình dung nổi nếu không tận mắt nhìn thấy.
Bí mật của “tuyết” và chè “5 cực”
Chị Triệu Thị Oanh, chủ nhân của một cơ ngơi bán chè và đá cảnh lớn nhất Suối Giàng, đã mời chúng tôi ghé thăm và thưởng thức những ấm trà shan tuyết siêu hạng chỉ riêng nhà chị mới làm ra được. Và công lao sáng tạo chè “5 cực” chính là chồng chị, anh Lê Quang Tùng. Vốn từ một nhân viên bảo vệ của Nhà máy chè Vạn Hưng, nhưng tình yêu với hai đặc sản của Suối Giàng là chè và đá cảnh, sau mấy chục năm gắn bó nay anh Lê Quang Tùng xứng danh là một “đại gia” của Suối Giàng.
Đó là những búp chè thay vì nhặt ra “một tôm - hai lá” như bình thường, chị chỉ chọn lấy một tôm (búp non duy nhất trên chồi cây) mà cũng không phải là loại tôm bình thường, đó phải là những búp chè được ngậm sương, trên bề mặt búp phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết. Gói chè chị mang ra là những búp khô có màu vàng kiêu sa được phủ một lớp bạc. Chỉ vào lớp bạc như nhũ trên tôm chè, chị Oanh giải thích: cái lớp nhũ bạc phủ trên tôm này mới đích thị là “tuyết chè”, chè ngon nhiều hay ít phụ thuộc vào lớp tuyết này. Để hái được chè với lớp tuyết đẹp như thế này cũng là một kỳ công, không phải cứ hái là được “tuyết chè”.
Thường cây chè vùng Suối Giàng mỗi năm thu hái được ba vụ. Vụ xuân vào tầm tháng 2-3 âm lịch, đây là vụ cho chè chất lượng tuyệt hảo nhất. Chịu đựng giá buốt suốt mùa đông núi cao, rồi ngậm từng hạt sương sớm lúc giao mùa, ủ từng khối mù mây mỗi sớm, cây chè shan tuyết Suối Giàng bừng thức khi mùa xuân tràn về. Những chồi non của chè lúc này hội tụ trong nó tất cả tinh túy của trời đất thiên nhiên, sương gió, mù mưa của miền rẻo cao, mùa xuân đẹp viên mãn trong lớp tuyết bạc lấp lánh dát trên mỗi lá chè, mỗi búp chè.
Từ nguồn nguyên liệu thượng hạng này, vợ chồng chị Oanh đã thêm một lần nữa biến nó thành “siêu hạng” để cho ra đời loại chè shan tuyết “5 cực”.
Gọi là “5 cực” bởi đó là loại chè “cực khổ”, để hái được là một kỳ công, do chỉ có thể hái nó được một vụ trong năm và mỗi vụ chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất của mùa thu hoạch thay vì hái 3-4 vụ như các loại chè khác. Người hái phải thức dậy lúc tinh mơ, trước khi ánh nắng rọi lên lá kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè.
Đó là loại chè “cực ngon” bởi được tuyển lựa cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết, và gọi là “cực sạch” bởi trên độ cao gần 1.400m, chè shan tuyết Suối Giàng không hề biết đến thế nào là thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Vẻ đẹp lão trượng dạn dày sương gió của cây chè núi cao dị ứng với tất cả những can thiệp của con người, chỉ có đất trời sương giá “miền thượng giới” nuôi búp chè bừng thức.
Chưa hết, chè còn được gọi là cực đẹp chính là hệ quả của một quá trình từ thu hái, chọn lựa, sao chế, bởi để chế biến ra, vợ chồng chị Oanh có riêng một công thức sao chế loại chè này từ thứ than củi bằng gỗ sến. Chỉ với loại than này nhiệt lượng cung cấp cho quá trình sao chế đạt tới độ cần thiết để chè dậy hương. Nhìn búp chè dày tuyết được ủ gọn trong túi bóng được xử lý chân không đã mê chứ chưa nói đến chuyện pha uống.
Và chính vì cực khổ, cực ngon, cực sạch, cực đẹp nên giá nó là cực đắt. Giá hiện nay của một cân chè “5 cực” bán ngay tại nhà chị Oanh là 2 triệu đồng. Mà cũng không phải khi nào cũng có để bán. Chị Oanh hài hước “Người ta gọi chè này là chè “5 cực” nhưng cũng có thể gọi nó là chè... “2 không”, vì người mua thường không được uống, và người uống lại thường không phải mất tiền mua (!)”.
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Nếu chè cổ thụ Suối Giàng là tặng vật của dãy Hoàng Liên Sơn thì những vùng chè cổ ở Hà Giang gắn liền với dãy Tây Côn Lĩnh vòi vọi miền cực Bắc. Chè cổ thụ Suối Giàng mang màu sắc của miền thượng giới thì chè cổ thụ Hà Giang có dáng dấp can trường của những hiệp khách biên ải...
Kỳ tới: Nghĩ về một “thánh địa” trà Việt
Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011
Con đường trà Việt- Kỳ 1
Loạt bài "Con đường trà Việt" của báo Tuổi Trẻ được đăng thành 6 kỳ.Kỳ 1:Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt.Kỳ 2:Huyền thoại chè “shan tuyết”.Kỳ 3:Mơ về một "thánh địa" chè Việt .Kỳ 4:Giữ hương trà Việt .Kỳ 5:Trên những đồi chè phương Nam .Kỳ cuối:"Đạo" trong trà Việt.
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/464457/Con-duong-tra-Viet---Ky-1-Noi-%E2%80%9Cthuy-to%E2%80%9D-cua-che-rung-Viet.html;bài đăng ngày 11/11/11,mục Phóng sự-Ký sự.
TT - Từ những gốc chè cổ thụ ở miền quê Yên Bái cho tới những đồng chè bát ngát của trung du Thái Nguyên, hay tận miền cao nguyên Bảo Lộc của phương Nam... Người Việt đã hình thành một “văn hóa trà” mang đậm tính đặc trưng trong suốt hành trình khai phá, trưởng thành và phát triển.
Những câu chuyện thú vị nhân Festival trà quốc tế diễn ra ở Thái Nguyên từ ngày 11 đến 15-11-2011.
Để hái chè cổ thụ, những người phụ nữ này phải trèo lên cây - Ảnh: Ngọc Quang
Dù đã từng nhìn thấy những cây chè (trà, theo cách gọi trong Nam) ấy trên ảnh, trong phim, nhưng khi tới xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) áp tay lên lớp địa y phủ mốc thếch trên thân cây chè cổ thụ gân guốc chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Xưa nay nói đến cây chè, ai cũng hình dung những đồi chè lúp xúp trên những bình nguyên, không thể tin có những cây chè cao hàng chục mét và thân rộng cả vòng tay ôm như thế này..
Báu vật ở “miền trời”...
Sổng A Nủ, chủ tịch xã Suối Giàng, cẩn thận tráng ấm, cho vào một vốc chè móc câu anh ánh bạc và nói với chúng tôi: “Muốn viết về chè Suối Giàng thì phải uống chè Suối Giàng đã mới có cảm xúc mà viết!”.
Chiết chè ra chiếc chén nhỏ trên khay, màu nước óng vàng và hương thơm dậy theo chén chè bốc khói, dù là người không sành về chè nhưng quả thật, đến với Suối Giàng - “đệ nhất kỳ quan trà Việt” - vẫn thấy trong mình lâng lâng khinh khoái như một đệ tử của trà đạo. Chủ tịch xã Sổng A Nủ nheo mắt cười cười: “Nhìn rồi, ngửi rồi, giờ nếm thử đi...”. Nhấp ngụm trà sóng sánh, một cảm giác tê đắng, chan chát đầu lưỡi vừa lan ra đã biến thành vị ngọt rất hậu. Nhưng câu chuyện về hương và vị của chè Suối Giàng chúng tôi sẽ nói thêm ở phần sau.
Giờ thì chúng tôi đang đi trong miên man bạt ngàn của rừng chè cổ thụ. Đang là tháng mười miền Tây Bắc, mây trắng vẫn giăng giăng qua những đồi chè. Từ độ cao trung bình 1.371m của Suối Giàng nhìn xuống thung lũng Nghĩa Lộ - Văn Chấn kéo dài hàng chục cây số đang ửng vàng sắc lúa, rồi nhìn lên đỉnh Chông Páo Mùa chìm trong mây, càng thấm thía cái tên Suối Giàng - miền thượng giới, bởi trong tiếng Mông, Giàng chính là Trời. Và những cây chè cổ thụ này chính là báu vật của miền trời ban tặng riêng cho Suối Giàng
Những cây chè ở “miền trời” cứ mê hoặc dẫn dụ chúng tôi đi, từ bản Giàng A đến Giàng B qua Pang Cáng, đến Tập Lăng. Hơn 8 vạn cây chè cổ tập trung thành một quần thể rộng lớn chưa từng có ở bất cứ đâu. Nếu nói về những cây chè có thân to, chúng tôi đã gặp ở Sín Chải, Lao Chải, Cao Bồ... (thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang) nhưng tập trung quần tụ sum vầy làm nên một miền chè cổ thụ kỳ thú như thế này có lẽ Suối Giàng là nơi duy nhất.
Đưa chúng tôi ra hội trường ủy ban xã, treo trang trọng phía góc phải của hội trường là tấm hình một cây chè “thủy tổ” với thân chè to bằng hai vòng tay ôm. Và hai người ôm cây chè trong tấm hình lịch sử này là Phó thủ tướng Phạm Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội thương Nguyễn Thanh Bình chụp vào ngày 9-9-1962.
Trong tấm hình đen trắng được chụp từ nửa thế kỷ trước là hình ảnh một “lão trà” đại cổ thụ cao hơn 10m và tầm phủ tán rộng hàng chục mét vuông. Khi chúng tôi đề nghị được đến thăm cây chè trong ảnh, anh Sổng A Nủ nói rằng cây chè đó đã chết vì bị mối đục thân từ mấy năm trước và chủ nhân cây chè đã bổ nó ra làm củi! Cây chè trong tấm hình đã bị đốn thì giờ đây người Suối Giàng vẫn có một cây chè khác để tôn làm cây chè tổ, hằng năm có lễ cúng nghiêm cẩn với thần chè, như người miền xuôi cúng thần lúa vậy!
Từ cây chè tổ đến... thủy tổ cây chè
Dẫn đường cho chúng tôi vào thăm cây chè tổ của Suối Giàng là anh Giàng A Tủa. Phăm phăm len lỏi qua những thân chè phủ đầy địa y rêu mốc, chúng tôi dừng lại trước một cây chè với thân được hợp thành từ ba gốc, tán cây vươn dài ra hai phía, những cành chè mang dáng dấp của một bonsai khổng lồ, đẹp mê hoặc. Đây chưa phải là cây chè to nhất, bởi cây chè cổ to nhất, từng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và chụp ảnh chung với cán bộ và người dân trong xã nằm ở bản Pang Cáng, sau đó cũng bị chết vì mối đục (và cây chè tổ này cũng đang bị mối đục!).
Chính rừng chè shan tuyết cổ thụ này đã mê hoặc một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chè của thế giới, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), ông M.K Djemukhatze từ những năm 1960. Hình ảnh rừng chè cổ thụ mênh mông độc nhất vô nhị trên thế giới đã khiến ông dành nhiều tâm sức với cây chè Suối Giàng để cho ra đời một chuyên khảo công phu về chè Việt sau cả chục năm trời đi đi về về với Suối Giàng.
Trong sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng còn ghi lại cảm tưởng của Djemukhatze về cây chè và vị chè kỳ diệu ở đây: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.
Không dừng lại ở những cảm xúc nồng nhiệt ban đầu dành cho cây chè Suối Giàng, bằng những thực nghiệm khoa học, dựa trên “thuyết tiến hóa” của nhà bác học Darwin, Djemukhatze đã có các kết quả thực nghiệm về sự hình thành và tích lũy catechin (tinh chất chè xanh) trong cây chè hoang dã ở Suối Giàng, đối chiếu với các vùng chè khác trên thế giới để cho ra một kết quả bất ngờ và đầy thuyết phục.
Sơ đồ tiến hóa hóa sinh của cây chè thế giới được M.K. Djemukhatze đưa ra là: Camelia > Thea wetnamica (chè VN)-> Thea fuinamica (chè Vân Nam lá to)-> Thea sinensis (chè Trung Quốc lá nhỏ)-> Thea assamica (chè Assam Ấn Độ). Với chiết xuất catechin từ các mẫu chè cổ của VN (mà cụ thể là ở Suối Giàng) viện sĩ Djemukhatze đã đề xuất tên khoa học mới cho cây chè là Thea wetnamica (chè gốc VN) thay cho tên khoa học Thea sinensis (chè gốc Trung Hoa).
Công trình khoa học về cây chè Việt của viện sĩ M.K. Djemukhatze đã được Nhà xuất bản khoa học Matxcơva đưa in vào năm 1976 dưới tên gọi “Cây chè ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và đã được dịch ra tiếng Việt. Dĩ nhiên khẳng định được gốc tích VN là “khởi thủy” của cây chè thế giới sẽ chỉ thuần là một giá trị tinh thần, nếu cây chè Việt hôm nay không tạo ra thương hiệu lớn để thu hút hàng trăm triệu người dùng trà trên thế giới.
Ngay tại Suối Giàng, thương hiệu chè Suối Giàng dù đã có một khởi đầu tốt đẹp, được cộng hưởng bởi nhiều giá trị độc đáo riêng có, tuy nhiên đến nay nó vẫn chưa là một thương hiệu mạnh. Thậm chí tiệm trà nào ở Yên Bái cũng trưng biển “chè Suối Giàng”, trong khi số lượng chè của Suối Giàng chỉ có thể sản xuất chừng 100 tấn chè khô. Dù sao thì cũng phải ghi nhận người Suối Giàng vẫn đang có những nỗ lực thầm lặng để gìn giữ hương vị chè “báu vật của trời” này.
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
- - - - - - - - - - - - - - - - - -Trên hành trình từ Hoàng Liên Sơn đến Tây Côn Lĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng về huyền thoại của loại chè shan tuyết riêng có nơi miền Tây Bắc.
Kỳ tới: Huyền thoại chè “shan tuyết”
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)