NHẠC SĨ HOÀNG HIỆP: NGƯỜI XE DUYÊN NHẠC VÀ THƠ.
Có một bài ca mà cho đến bây giờ vẫn là câu hát đầu môi của người Quảng Trị khi vui,lúc buồn.Đó là bài
“Câu hò trên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp. 40 năm trước đây khi sáng tác bài này thì dòng sông Hiền Lương đang là con sông giới tuyến chia đôi hai miền Nam – Bắc.Cũng từ đấy,những người mến mộ âm nhạc biết đến Hoàng Hiệp – một nhạc sĩ miền Nam tập kết.
Cũng bắt đầu trở thành thói quen mỗi sớm,mỗi chiều của người Hà Nội khi bài “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp được Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội chọn làm bài ca mở đầu cho các buổi truyền hình.Những hình ảnh thân thương của cố đô hòa trong giọng nữ Nam Bộ nồng ấm tạo nên một cảm giác lung linh như ngọn lửa ký ức của kỷ niệm,của dĩ vãng.Song có lẽ đây là hai ca khúc do Hoàng Hiệp tự đặt lời trong số nhiều ca khúc phổ thơ của anh. Ý thức được vẻ đẹp của thơ và chuyển vẻ đẹp đó thành lời ca của bài hát,Hoàng Hiệp đã làm việc xe duyên giữa nhạc và thơ như rất nhiều các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới và anh cũng thật xứng đáng là một trong số không nhiều nhạc sĩ có khả năng phổ thơ với một trình độ điêu luyện.
Ngay từ những ngày đầu chống Mỹ,giọng hát
Mai Khanh đã chuyển đến đời một
“Ngọn đèn đứng gác” của Hoàng Hiệp – ca khúc phổ
thơ Chính Hữu gây được một ấn tượng khá mạnh mẽ trong đội ngũ những người ra trận.Làm sao quên được những đoàn quân ra đi mạnh mẽ trong đêm bằng giai điệu dẫn đường này:”Trên đường ta đi đánh giặc – dù về Nam hay ta lên Bắc - ở đâu cũng gặp – những ngọn đèn dầu trong mắt đêm thâu…”
Khi ấn tượng trên còn đang hừng hực trong long,Hoàng Hiệp lại tưới vào lòng người một ngọn suối cảm xúc mang đậm âm hưởng Tây Nguyên.Bài
“Cô gái vót chông” phổ thơ của một
nhà thơ Tây Nguyên đã nhanh chóng lan tỏa vào những năm tháng ấy,nhất là khi nó trở thành những tiết mục đặc sắc cho giọng hát
Tường Vi.Cho đến Tường Vi,sự sáng tạo đã được tiếp nối bằng sự sáng tạo của nghệ sĩ biểu diễn.Sau những lời ca “Như bao cô gái ở trên non – Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon…” là đến đoạn khẩu thuật tạo ra tiếng chim của Tường Vi “Ai nhanh tay vót bằng tay em – chim hót không hay bằng tiếng hát em…”.
Vẫn trên tài hoa ấy,Hoàng Hiệp phổ tiếp
“Đất quê ta mênh mông” thơ của
Bùi Minh Quốc.Hình như cũng từ đấy,anh gắn bó với Quốc Hương giống như Hồng Vân gắn bó với Trần Khánh.Tha thiết lắm khi Quốc Hương ngâm nga “Đất quê ta mênh mông = lòng mẹ rộng vô cùng”.Và Hoàng Hiệp đã bộc lộ cá tính sáng tạo đầy bản sắc khi khai thác
“Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” của
Phạm Tiến Duật.Ngày ấy,mỗi khi cất lên:”Anh lên xe trời đổ cơn mưa – cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…” cánh lính chúng tôi thường cười với nhau:”Ai bảo tình ca cộng sản không hay”?Và bản “tình ca đỏ” ấy theo chúng tôi đi tới ngày giải phóng,tới khi nhạc sĩ lại bay lên theo
“Lá đỏ” của
Nguyễn Đình Thi.Biết bao đoàn xe trở đầy những người lính chiến thắng khi từ biệt Trường Sơn đã cất cao:”Chào em cô gái tiền phương – Hẹn gặp nhé giũa Sài Gòn”.
Thống nhất Bắc – Nam,Hoàng Hiệp trở về Sài Gòn.Hai mươi năm qua,anh vẫn hành trình trong sứ mạng của “người xe duyên nhạc và thơ”. Khi là
“Đợi anh về” thơ Lê Giang,khi là
“Như lá” thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhiều nhất có lẽ với Diệp Minh Tuyền.”Con đường có lá me bay – chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…” hay “Em là cánh én mỏng bay xuống giữa đời anh – cho lòng anh xao động …”.Những câu thơ chứa chan tình cảm những khi bay trên đôi cánh của âm nhạc,quả là có một sức mạnh huyền bí chinh phục cõi lòng.
Gần đây anh ra Hà Nội.Và tôi lại được nghe một bài ca anh viết về tuổi hoa với người lính.Hoàng Hiệp còn thật dồi dào trong cảm hứng.Tuổi tác và có thể bệnh tật.Nhưng sáng tạo phổ nhạc cho thơ của Hoàng Hiệp vẫn còn là một kinh nghiệm đối với những thế hệ trẻ.
NGUYỄN THỤY KHA
- - - - - - -
Ghi chú của DVN: Bài viết trên đã in trong tập”Bài ca tuổi trẻ”,tác giả:Trần Thụy Kha,sách gồm 183 trang khổ 19x27 cm ,nhà xuất bản Thanh Niên in năm 2004. Nội dung sách gồm 70 ca khúc của 14 nhạc sĩ.Nguyễn Thụy Kha dành cho mỗi nhạc sĩ một bài giới thiệu ngắn.
Trong bài trên có hai lỗi,nhưng để trung thành với bản gốc,tôi vẫn ghi lại y như trong sách đã dẫn.
Lỗi 1: Ở đoạn 1 có nhắc đến bài hát “Câu hò
trên bến Hiền Lương”; thật ra tên bài hát phải là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.
Lỗi 2: Ở gần cuối đoạn 5 có viêt”Biết bao đoàn xe
trở đầy những người…”: “trở đầy” không rõ nghĩa bằng “chở đầy”.