Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Hơn 70 năm thắm đỏ nghĩa tình với Đại tướng

Hơn 70 năm thắm đỏ nghĩa tình với Đại tướng
Copy từ http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21399602-hơn-70-năm-thắm-đỏ-nghĩa-tình-với-đại-tướng.html , đăng ngày 10/10/13 , mục Tin tức-Sự kiện.
NDĐT- Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, suốt mấy ngày qua, bác Nguyễn Hữu Tiến (xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), người có 66 năm tuổi Đảng thường khóc nấc, nghẹn ngào. Tình cảm sâu lắng thế, bởi giữa bác Nguyễn Hữu Tiến và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng có những kỷ niệm khó phai mờ.
Bác Nguyễn Hữu Tiến chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng (Ảnh nhân vật cung cấp).
Từ khi còn học Trường Quốc học Vinh (giai đoạn 1938 - 1942), bác Tiến đã tham gia cách mạng. Đặc biệt, lúc bấy giờ, bác Tiến như “người nhà” của gia đình cụ Nguyễn Huy Bình (quê gốc Thái Bình, sinh ra ở Hà Nội), Đậu Thị Thư (quê Hà Tĩnh, sinh sống ở Nghệ An) là thân phụ và thân mẫu của nhà cách mạng, liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Với quan hệ đời thường như thế, bác Tiến chơi rất thân và kết nghĩa anh em với bác Nguyễn Huy Dương - em trai ruột của chị Nguyễn Thị Minh Khai - và cũng hiểu khá tường tận về sáu chị em ruột con cụ Hàn Bình (tức Nguyễn Huy Bình) lúc đó còn nương náu ở quê ngoại, nay thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
Bác Tiến bùi ngùi: “Thương tiếc lắm, chị Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1941. Cụ Nguyễn Huy Bình chứng kiến cảnh giặc Pháp sát hại con gái mình cũng ngã bệnh, mất năm 1942. Anh Nguyễn Huy Dương đi rải truyền đơn cách mạng, bị địch bắt. Chúng tàn nhẫn mổ bụng, giết hại anh tại Hà Nội năm 1943. Chị Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò năm 1944. Rồi người con rể là đồng chí Lê Hồng Phong cũng hy sinh. Một gia đình trong tám năm phải chịu đựng đến sáu cái tang. Gia thế ấy là đại cách mạng, với những phẩm chất rất anh hùng”.
Kể đến đó, cụ Tiến nghẹn ngào: “Cả cháu Võ Hồng Anh ngày nào, nay cũng đã không còn. Và quan hệ giữa tôi với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp khởi đầu cũng từ chuyện bảo vệ, đưa mẹ con chị Nguyễn Thị Quang Thái - Võ Hồng Anh trốn tránh sự vây ráp của quân thù từ năm 1942”.
Mùa thu năm đó (1942), thực dân Pháp và bọn tay sai người Việt ở Trung Kỳ, do chính Chánh mật thám Hăm-bét và Phó Chánh mật thám Trung Bộ Tơ-noa chỉ huy, ra sức truy lùng, cố bắt bằng được đồng chí Võ Nguyên Giáp và thân nhân của đồng chí. Chúng “đánh hơi” được tin chị Nguyễn Thị Quang Thái vừa sinh con, đang tá túc ở thành phố Vinh. Hơn nữa, chúng nghĩ cũng có thể bắt luôn được đồng chí Võ Nguyên Giáp, nếu đồng chí từ Trung Quốc, hoặc Cao Bằng về thăm vợ con. Trong khi đó, tổ chức của ta tại thành phố Vinh bị đứt liên lạc, cũng không biết cụ thể mẹ con chị Nguyễn Thị Quang Thái - Võ Hồng Anh đang ẩn náu ở đâu, để tìm cách giải cứu sớm.
Giữa bối cảnh ấy, Nguyễn Huy Dương gấp gáp gặp bác Nguyễn Hữu Tiến nhờ tìm cách giúp đỡ. Vậy là, một kế hoạch tuyệt mật được vạch ra. Bác Nguyễn Huy Dương vờ lởn vởn cho địch thấy, rồi lên tàu ra Hà Nội, đánh lạc hướng kẻ thù. Mắc mưu, nên bọn mã tà, lính kín bám theo ngay. Hôm sau, lúc chạng vạng tối, bác Nguyễn Hữu Tiến đưa hai mẹ con Nguyễn Thị Quang Thái - Võ Hồng Anh lên tàu, đi chiều ngược lại, từ Vinh vào Quảng Bình. Bác Nguyễn Thị Quang Thái hóa trang làm người bán gà, bác Tiến bế cháu Võ Hồng Anh (khi đó mới gần 2 tuổi) ngồi cách xa nhau quãng ngắn và cả ba cùng vào hẳn “toa đen”, vốn dùng chỉ để chở súc vật cho người buôn bán đường xa.
Đến ga Đồng Hới, người nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón sẵn, đưa hai mẹ con Nguyễn Thị Quang Thái - Võ Hồng Anh đi ngược lên phía Quảng Trạch một thời gian, sau mới về lại quê nhà Lệ Thủy. Bác Nguyễn Hữu Tiến cũng ở lại luôn Quảng Bình thời gian ngắn, vừa tìm cách dạy học tư, kiếm thêm chút tiền, để học nốt những năm cuối ở Trường Quốc học Vinh; vừa theo dõi, giúp đỡ tầm xa, xem chừng liệu mẹ con Nguyễn Thị Quang Thái - Võ Hồng Anh có được thật sự an toàn. Sau đó, bác Nguyễn Hữu Tiến về lại Nghệ An tiếp tục hoạt động cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bác Tiến trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Trường Đảng tỉnh Nghệ An thời bấy giờ. Năm 1948, bác Tiến trở thành học viên khóa 8 lớp Bồi dưỡng lý luận cao cấp ở Chiến khu Việt Bắc. Ngày 19-5 năm đó, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm lớp học, bác Tiến được báo cáo với Bác Hồ và Đại tướng về tình hình học tập, vận dụng lý luận cách mạng ở quê nhà. Hôm ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bác Nguyễn Hữu Tiến trò chuyện thân tình, cởi mở, nhưng bác Tiến không nhắc gì đến chuyện cũ năm 1942.
Bác Tiến bày tỏ: “Làm cách mạng là phải tự giác và phải biết cưu mang, giúp đỡ nhau. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ trong tình đồng chí”. Chuyện cũ ấy theo năm tháng cũng nhạt nhòa dần. Đến năm 1980, bác Nguyễn Hữu Tiến về hưu tại quê nhà ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) với chức danh hiệu trưởng trường cấp 2 Nguyễn Biểu.
Vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS-TS Võ Hồng Anh ngẫu nhiên phát hiện ra bác Nguyễn Hữu Tiến vẫn còn sống. Với trí nhớ tuổi thơ qua lời kể của người mẹ, nhà khoa học Võ Hồng Anh cố tìm được bác Tiến và báo cáo lại sự việc trên với Đại tướng. Ông và phu nhân, bà Đặng Bích Hà, đều xúc động, mong gặp lại “cố nhân”. Ngày 5-5-2002, tại tư dinh 30 Hoàng Diệu, bác Nguyễn Hữu Tiến gặp lại gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ôn chuyện cũ, chị Võ Hồng Anh không cầm được nước mắt. Phu nhân của Đại tướng rớm lệ. Còn Đại tướng lặng đi, bùi ngồi hồi tưởng, cầm mãi bàn tay của bác Nguyễn Hữu Tiến suốt cuộc hàn huyên.
Bác Tiến kể: “Lúc đầu, tôi ngồi đối diện với Đại tướng. Nhưng, như người Anh Cả trong nhà, Đại tướng cầm lấy tay tôi, nói vui “Sao chú ngồi cách bức thế?” và kéo tôi lại ngồi gần bên. Rồi Đại tướng nói tiếp: “Đấy, chú thấy ngồi vậy với anh chị và cháu Hồng Anh có phải ấm cúng hơn không?”
Vậy là, chuyện cũ sau đúng 60 năm, có cả chuyện mới, cứ thế diễn ra thật rôm rả, rất đỗi tâm tình. Trong cuộc vui ấy, 13 bức ảnh đã được chụp cho thấy không hề có sự cách bức nào giữa vị Đại tướng với một nhà giáo làng quê đã về hưu.
Theo bác Tiến, sau đó vài tháng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn cho đại tá Nguyễn Bội Dong (một trong số những thư ký riêng của Đại tướng) về nhà bác Tiến ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thăm hỏi sức khỏe và động viên bác Tiến kể lại bằng văn bản chuyện cũ năm 1942, kể cả tình hình hoạt động cách mạng trước năm 1945 ở xứ Nghệ, để làm tư liệu riêng lưu trữ tại Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ý thức chấp hành nghiêm túc của một đảng viên từng tham gia cách mạng từ thời Tiền khởi nghĩa, bác Nguyễn Hữu Tiến đã soạn thảo văn bản, kể lại những nét chính về câu chuyện trung thực này.
Bác Nguyễn Hữu Tiến đã tặng bài thơ “Khoảnh khắc sum vầy” do chính bác viết sau ngày gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2002.
TRẦN DANH LÂN (Ghi theo lời kể của bác Nguyễn Hữu Tiến, cán bộ Tiền khởi nghĩa và anh Trần Kim Nhu)

Không có nhận xét nào: